Để giảm tải bệnh viện

Chuyến thị sát, làm việc của Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng với ngành y tế tại các công trình xây dựng bệnh viện ở TPHCM cho thấy một vấn đề cũ đã được nêu lên theo góc nhìn mới. Trong khi 4 - 5 bệnh nhi phải nằm chung một giường, mà mãi đến tháng 9-2016 mới hoàn thành công trình Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, như vậy là vẫn còn chậm. Theo báo cáo của lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, khi công trình Bệnh viện Nhi đồng TPHCM được đưa vào hoạt động tháng 9-2016 thì cũng phải đến năm 2017 Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 mới được giảm tải. Tương tự, đến năm 2018, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (quận 9) hoàn thành thì Bệnh viện Ung bướu hiện nay mới được giảm tải. Chuyện giảm tải, chia tải… bằng việc đầu tư cơ sở vật chất cho ngành y tế, kêu gọi tư nhân chia sẻ, cộng lực để gánh bớt bệnh nhân là đề tài “nóng” đang được chính quyền và ngành y tế cũng như người dân quan tâm.

Cùng với giải pháp đó, việc hình thành mạng lưới bác sĩ gia đình (BSGĐ) là một hướng gỡ tích cực, không đòi hỏi nhiều về nguồn vốn, thời gian. Vấn đề là ngành y tế, đặc biệt là lãnh đạo TPHCM sẽ mạnh dạn mở lối như thế nào. Tại các nước tiên tiến, mô hình BSGĐ đã khẳng định hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe người dân. Không phải bệnh gì cũng vào bệnh viện. Người dân sống ở địa bàn nào thì sau khi có đăng ký bảo hiểm y tế sẽ đăng ký khám chữa bệnh tại một BSGĐ ở khu vực gần nơi mình sinh sống.

Với các bệnh thông thường, BSGĐ điều trị khám bệnh, kê toa để bệnh nhân mua thuốc và được bảo hiểm y tế thanh toán. Trường hợp bệnh nặng cần nhập viện, BSGĐ sẽ chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Tình trạng bệnh viện quá tải nhiều năm qua tại Việt Nam, ngoài nguyên nhân đầu tư cơ sở vật chất bệnh viện còn yếu và thiếu, căn bản là y tế dự phòng bị xem nhẹ. Bệnh nặng hay nhẹ cũng vào bệnh viện. Nhà nước đối phó bằng cách xây thêm bệnh viện nhưng thực tế nhiều dự án bệnh viện gần 7 - 8 năm qua được đưa ra vẫn chưa xong do khó khăn về đền bù giải tỏa, thiếu vốn… Thế nên, dù Bộ trưởng Bộ Y tế cam kết sẽ thực hiện nhiều giải pháp để xóa tình trạng bệnh viện quá tải, nhưng dường như đây là một công việc quá sức. Ai cũng hiểu, chăm lo cho y tế tuyến dưới là giải pháp cơ bản để bệnh viện không bị quá tải nhưng nhiều năm liền, gần 300 trạm y tế phường - xã tại TPHCM vẫn vắng bệnh nhân. Gần 300 trạm y tế là một nguồn lực lớn mà không dễ nơi nào có được, chưa kể trên địa bàn TPHCM có đến 17.000 phòng mạch tư nhân.

Việc triển khai mô hình BSGĐ sẽ không dễ, vì gặp 3 trở ngại lớn: BSGĐ phải làm theo quy định, bị kiểm soát, không thoải mái như phòng mạch tư nhân; thu nhập sẽ không bằng phòng mạch tư nhân; phòng mạch tư nhân còn được bán thuốc - đây là nguồn thu lớn đối với bác sĩ tư. Đó là chưa kể các phòng mạch đông khách sẽ không tham gia mô hình BSGĐ, còn phòng mạch ít khách, nếu có tham gia mô hình BSGĐ thì chưa chắc đã có thêm khách, vì bệnh nhân chỉ đến phòng mạch của các bác sĩ uy tín. Những cái khó đó là có thật, nhưng không vì khó mà không làm. Trước tiên, ngành y tế nên kêu gọi thực hiện y đức để các bác sĩ có tấm lòng đến với mô hình BSGĐ, đặc biệt là các bác sĩ trẻ, kể cả những bác sĩ đã về hưu, để ra dân, giúp đỡ cộng đồng. Nên có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các bác sĩ tham gia mô hình BSGĐ, như: miễn giảm thuế thu nhập cá nhân; nếu họ không có mặt bằng thì trạm y tế phường sẽ đáp ứng nhu cầu này. Một trạm y tế phường có thể tập hợp 3 - 4 bác sĩ chuyên khoa làm BSGĐ sau giờ làm việc tại bệnh viện. Bác sĩ khám bệnh tại phòng mạch và còn nhận đến tận nhà khám bệnh cho các bệnh nhân bệnh mãn tính, đi lại khó khăn. Bệnh nhân không phải chờ đợi, xếp hàng rồng rắn và được theo dõi, tư vấn kỹ về bệnh cảnh, mà tiền công khám bệnh cũng không cao hơn giá dịch vụ của bệnh viện.

Để mô hình BSGĐ có thể phát huy và triển khai rộng, TPHCM nên chọn vài quận, vài phường làm điểm. Về thanh toán chế độ bảo hiểm y tế, thiết nghĩ nhiều bệnh viện tư cũng đã tham gia khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thì lẽ nào các phòng mạch BSGĐ không được. Vấn đề là TPHCM mạnh dạn mở lối, xin thí điểm mô hình này. Mô hình BSGĐ cũng nên chia làm nhiều phân khúc phù hợp với khả năng tài chính của người bệnh. Sự đa dạng trong mô hình sẽ góp phần giảm tải cho bệnh viện, tiết kiệm thời gian, công sức của nhiều người.

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục