Theo số liệu về đăng ký doanh nghiệp (DN), tính đến ngày 31-12-2019 cả nước có 758.610 DN đang hoạt động. Trong 10 tháng đầu năm cả nước có gần 111.200 DN đăng ký thành lập mới. Như vậy, tính đến hết tháng 10-2020, cả nước có 869.810 DN. Trong khi đó, kể từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không chỉ việc thành lập DN mới gặp khó khăn mà cả số DN giải thể, đóng cửa cũng tăng lên. Cụ thể, 10 tháng đầu năm cả nước có gần 85.600 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể.
Tại Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam xây dựng DN có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững; cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48-49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội…
Có thể nói, mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020 là đáng hoan nghênh, thể hiện một trong những thông điệp rõ ràng của Chính phủ nhiệm kỳ này về quy mô, mức độ phát triển DN tư nhân. Cũng chính từ mục tiêu đó mà Chính phủ đã có rất nhiều chương trình cải cách môi trường kinh doanh và xóa bỏ rào cản, thúc đẩy phát triển DN. Nếu tính riêng về số lượng DN gia nhập thị trường thì con số đó khá tiệm cận với mục tiêu nói trên, khi hàng tháng, hàng năm số lượng DN thành lập mới vẫn tăng đều. Nếu so sánh với năm 2019 và những năm trước đó thì số lượng DN thành lập mới tăng gấp đôi (khoảng 140.000 DN mới mỗi năm). Tuy nhiên, nếu lấy số DN mới trừ số DN giải thể, ngừng hoạt động thì có thể nói, cho đến nay mục tiêu 1 triệu DN không đạt được. Vấn đề hiện nay cần bàn là không dừng ở việc có đạt được mục tiêu hay không mà quan trọng phải rút ra bài học gì và cần phải làm gì trong thời gian tới để có 1 triệu DN.
Trước hết, thực tế hiện nay cho thấy, nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh đã có tác động đáng kể để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường. Nhưng những cải cách như vậy chưa tác động nhiều đến giai đoạn sau gia nhập thị trường. Bài học ở đây là môi trường kinh doanh cho DN trong suốt quá trình hoạt động rất quan trọng. Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành rà soát, cắt giảm, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí tuân thủ; Chính phủ cũng đã chỉ đạo cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, trên thực tế DN vẫn phải mất chi phí đầu vào cao, điển hình như tiền thuê đất điều chỉnh đột ngột; tiền nguyên vật liệu, tiền thuê nhân công, chi phí không chính thức, thanh tra, kiểm tra… gia tăng, tạo rủi ro và mất đi cơ hội kinh doanh của DN.
Như vậy, việc “giữ chân” và thúc đẩy DN phát triển ổn định lâu dài là đòi hỏi trọng tâm cải cách trong thời gian tới. Chương trình cải cách phải hướng đến môi trường kinh doanh tốt, thuận lợi, ít rủi ro và phải được tạo lập xuyên suốt quá trình hoạt động của DN. Để làm được điều này đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và cách làm có thể phải khác, với phạm vi cải cách rộng lớn hơn. Đó là cần tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN để khu vực tư nhân đổi mới, sáng tạo, ít rủi ro, chi phí thấp và áp dụng mô hình kinh doanh, dịch vụ và sản phẩm chưa từng có tiền lệ. Đồng thời cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần DN; phát triển DN khu vực tư nhân hiệu quả, bền vững, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế và trách nhiệm xã hội. Bên cạnh đó, chính bản thân DN cũng phải tự ý thức nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy quản trị tốt, bởi khi môi trường kinh doanh thuận lợi thì cạnh tranh cao hơn, rủi ro thị trường và thất bại cũng cao hơn.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương