Để không còn những tâm tư cũ

Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII khai mạc ngày 20-10 cho thấy, trừ mối quan tâm đặc biệt đến việc chuẩn bị nhân sự của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, mong muốn những người được bầu giữ các chức vụ chủ chốt trong Đảng, chính quyền có đủ đức, đủ tài... thì nhiều kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước vẫn là vấn đề cũ.

Có thể thấy, những tâm tư, lo lắng của người dân bao lâu nay gần như không thay đổi. Vẫn là nỗi lo trước tình hình kinh tế phát triển chưa thực sự bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động chưa cao đến hàng loạt những vấn đề xã hội khác liên quan thiết thân đến cuộc sống hàng ngày như ăn, ở, mặc, đi lại, chữa bệnh, học hành... Vẫn là sự bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng trái luật pháp quốc tế các công trình tại các đảo chìm, bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam. Vẫn là mong muốn loại trừ những trường hợp thoái hóa, biến chất, có biểu hiện tham nhũng, lợi ích nhóm tham gia vào bộ máy lãnh đạo các cấp.

Tất cả những tâm tư đó của cử tri, nhân dân cả nước đều thể hiện một mong muốn, một khát vọng lớn lao, không chỉ cho riêng bản thân mà cho cả lợi ích chung. Đó là mong muốn được có một cuộc sống ngày càng ấm no, bình yên, được hưởng một chính sách an sinh xã hội đầy đủ, bước chân ra đường không bị kẹt xe, cướp giật, ô nhiễm; con cái đến trường được học hành tử tế... Sâu xa hơn nữa, đó là khát vọng về một đất nước ngày càng phát triển bền vững không chỉ về kinh tế mà cả về những giá trị xã hội, để chúng ta có thể đĩnh đạc bước vào sân chơi hội nhập quốc tế với nhiều cơ hội.

Những tâm tư, nguyện vọng đó của người dân vẫn lặp lại từ năm này sang năm khác, từ kỳ họp này sang kỳ họp khác. Nghĩa là những nguyện vọng đó chưa được đáp ứng, những kiến nghị đó chưa được giải quyết dứt điểm. Dĩ nhiên, những vấn đề đó không thể giải quyết một sớm một chiều, nhưng lẽ ra với sự cam kết của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội, trước toàn thể nhân dân thì những tâm tư, nguyện vọng đó của người dân phải được giải quyết phần nào chứ không để lặp đi lặp lại. Mỗi kỳ họp Quốc hội, những kiến nghị của cử tri đều được đệ trình; các bộ trưởng, thành viên Chính phủ lại có những cam kết giải quyết sau khi được các đại biểu Quốc hội thay mặt nhân dân chất vấn. Nhưng dường như việc giải quyết kiến nghị của cử tri vẫn chưa chuyển biến như mong đợi.

Cùng với những kết quả ấn tượng, báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm giai đoạn 2011-2015 cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại yếu kém. Những nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, những bài học kinh nghiệm cũng đã được nêu đầy đủ trong báo cáo. Trong số bài học kinh nghiệm mà Chính phủ tổng kết, có nhấn mạnh đến việc phải sáng tạo trong tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cao nhất. Phải đánh giá đúng tình hình và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm trọng điểm, gắn trước mắt với cơ bản lâu dài và ứng phó kịp thời, phù hợp với diễn biến mới của tình hình. Bám sát thực tiễn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay. Đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu.

Thực tế trong 5 năm qua cũng đã cho thấy, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Giá dầu thô giảm sâu, đồng nhân dân tệ đột ngột giảm giá, một số nền kinh tế lớn suy giảm tăng trưởng, đặc biệt là tình hình căng thẳng ở biển Đông... đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quốc hội khóa XIII đã phải quyết định điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cao nhất và triển khai nhiệm vụ phù hợp, được nhân dân đồng tình ủng hộ thì không có khó khăn nào, khủng hoảng nào mà chúng ta không thể không vượt qua. Nhưng dù đã vượt qua những khó khăn đó, vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận nhiều yêu cầu, mong muốn của nhân dân chưa được giải quyết, đáp ứng. Điều đó được thể hiện rất rõ trong các báo cáo dân nguyện tại mỗi kỳ họp Quốc hội.

Người dân mong không chỉ ở mỗi kỳ họp sẽ có chương trình chất vấn ở Quốc hội, mà các bộ ngành, chính quyền địa phương, bộ máy quản lý cần thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, giải quyết các vướng mắc, khó khăn và yêu cầu chính đáng của nhân dân. Tin dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến của dân, có những cơ chế biện pháp cụ thể thích hợp để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng của mình, từ đó đề ra những giải pháp cụ thể để giải quyết nguyện vọng của dân, đó chính là điều làm nên sức mạnh của Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Cử tri mong muốn không chỉ được nghe những lời hứa và cam kết một cách đối phó, mà cử tri mong các bộ trưởng, thành viên Chính phủ, từng bộ ngành, địa phương cần thực sự hành động để giải quyết bức xúc của người dân.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục