Lại một tai nạn trên biển thương tâm nữa xảy ra cướp đi sinh mạng của nhiều người.
Chỉ mới một tháng rưỡi trước, tối 2-8, một vụ lật tàu ở vùng biển Cần Giờ TPHCM khiến 9 người chết mà đến nay công tác điều tra còn đang tiếp diễn, thì rạng sáng 16-9, lại thêm 8 người cũng chung số phận trong một tai nạn hi hữu ở vùng biển cách mũi Vũng Tàu 50 hải lý về phía Đông Nam.
Còn nhớ, trong vụ tai nạn trước, chiếc tàu dạng “ca nô” chỉ có thiết kế 8 chỗ ngồi nhưng chở đến 30 người từ Tiền Giang về Vũng Tàu trong lúc sóng to gió lớn do ảnh hưởng của bão, đã lật úp giữa đêm tối khi đi ngang vùng biển Cần Giờ. Còn lần này, nguyên nhân trực tiếp không đến từ “ông trời” mà đến từ chiếc tàu chở hàng mang tên Sima Sapphire, quốc tịch Singapore, từ TPHCM đi Malaysia, giữa đêm tối mịt mùng cùng với sóng to gió lớn đã bất ngờ “đâm sầm” vào chiếc tàu đánh cá số hiệu TG92819TS chở 16 ngư dân các tỉnh miền Tây, khiến tàu lật và chìm.
Khác nhau về nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn, nhưng cả hai vụ đều chung một hoàn cảnh là xảy ra vào đêm tối trong điều kiện thời tiết xấu khiến công tác cứu hộ gặp muôn vàn khó khăn, cho dù lần này đã được các cơ quan hữu quan triển khai kịp thời và đầy trách nhiệm.
Cho đến nay, nguyên nhân tai nạn chủ yếu mới được biết qua lời kể của những người trong cuộc và nhận định bước đầu của cơ quan hữu quan. Tuy nhiên, ngay từ những thông tin ban đầu, đã lộ rõ một vấn đề căn bản, đó là vì sao tàu hàng Sima Sapphire không phát hiện ra tàu TG92819TS, cũng như ngược lại, để có thể tránh va chạm?
Theo thông tin từ cơ quan chức năng thì thời tiết ngoài hiện trường nơi xảy ra tai nạn rất xấu, gió cấp 6 cấp 7, sóng cao 2 - 3m, tầm nhìn ban ngày chỉ khoảng 4 - 5km do trời mù. Tuy nhiên, cho dù tầm nhìn có hạn chế đến mấy, nếu như các hệ thống đèn tín hiệu và cảnh báo của hai tàu hoặc thậm chí của một trong hai tàu vẫn hoạt động tốt và các bên luôn trong tinh thần chủ động thì chắc chắn việc “đâm trực diện” vào nhau như theo lời kể của nạn nhân là rất khó xảy ra. Ở đây, rõ ràng hệ thống đèn tín hiệu của một trong hai bên hoặc thậm chí cả hai đã không hoạt động, kết hợp với nguyên nhân thời tiết xấu, khiến một trong hai bên hoặc cả hai không biết, không nhận ra nhau, mới dẫn đến tai nạn.
Chắc chắn tới đây, nguyên nhân trực tiếp lẫn gián tiếp khiến tai nạn thương tâm này xảy ra sẽ được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Tuy nhiên, từ đây, một vấn đề cần được đặt ra cấp bách trong các hoạt động trên biển, đặc biệt đối với ngư dân, đó là không chỉ đề phòng các vấn đề liên quan đến thiên tai mà cần phải quan tâm đúng mức cả đến vấn đề nhân tai.
Chúng ta biết rằng, đất nước ta đang phát triển mạnh về kinh tế biển đồng thời với việc gia tăng hội nhập kinh tế quốc tế, nên các hoạt động giao thương trên biển với các nước đang ngày càng tăng. Vì vậy, ngoài việc đầu tư hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị đánh bắt hải sản, vận tải hàng hóa bằng đường biển, việc làm thế nào để đảm bảo an toàn giao thông hàng hải, phòng ngừa sự cố cũng quan trọng không kém. Đối với ngư dân, mặc dù thời gian qua đã được Nhà nước quan tâm hỗ trợ đầu tư nhiều mặt, nhất là về phương tiện đánh bắt, thế nhưng, vấn đề an toàn vẫn chưa được chú ý đúng mức.
Thực tế cho thấy, ngoài những vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết và mất tích nhiều người như xảy ra gần đây được dư luận đặc biệt chú ý, hàng năm trên các vùng biển nước ta đều xảy ra rất nhiều tai nạn khác, tuy quy mô và mức độ thiệt hại thấp hơn. Do vậy, cùng với việc hiện đại hóa phương tiện, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống tín hiệu, cảnh báo sự cố, thì việc tập huấn, trang bị kiến thức pháp luật về giao thông hàng hải cho ngư dân cũng như việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm… cần phải được tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, kịp thời, triệt để, hiệu quả hơn nữa, mới có thể góp phần giảm thiểu được những tai nạn thương tâm như vừa qua.
PHẠM PHƯƠNG ĐÔNG