Để lấn chiếm lòng lề đường là trách nhiệm của địa phương

Đến nay, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán vẫn diễn ra phức tạp và đây cũng là “gam màu xám” trong toàn bộ bức tranh an toàn giao thông (ATGT) có nhiều điểm sáng trong năm 2013 của TPHCM. Làm thế nào để chấn chỉnh tình trạng này? Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM.* PV:
Để lấn chiếm lòng lề đường là trách nhiệm của địa phương

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM:

Đến nay, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán vẫn diễn ra phức tạp và đây cũng là “gam màu xám” trong toàn bộ bức tranh an toàn giao thông (ATGT) có nhiều điểm sáng trong năm 2013 của TPHCM. Làm thế nào để chấn chỉnh tình trạng này? Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM.

* PV:
Thưa ông, để lòng lề đường bị lấn chiếm, trách nhiệm thuộc về ai đã được xác định. Vậy tại sao lòng lề đường ở nhiều địa phương vẫn bị lấn chiếm?

* Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG:
Lãnh đạo TPHCM đã xác định, để lòng lề đường bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh buôn bán là trách nhiệm của các địa phương. Nhiều địa phương đã hứa với lãnh đạo thành phố sẽ nỗ lực hết sức để chấn chỉnh tình trạng này.

Lập lại trật tự lòng lề đường là vấn đề không đơn giản bởi nó gắn với hoạt động mưu sinh của nhiều người. Hơn nữa, để làm được việc này, đòi hỏi các địa phương phải thực hiện liên tục, thường xuyên. Trong khi đó, lực lượng đảm nhiệm công việc này ở nhiều địa phương rất thiếu. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa chấp nhận lòng lề đường bị lấn chiếm như hiện nay. TPHCM đã có khá nhiều giải pháp để xử lý hợp tình, hợp lý các vấn đề liên quan đến hoạt động mưu sinh của những người buộc phải kiếm sống nơi vỉa hè, lòng đường như cho phép dành một phần vỉa hè làm nơi buôn bán hoặc giữ xe. Việc lập lại trật tự lòng lề đường được thực hiện từng bước và ở từng tuyến đường để các địa phương có điều kiện linh hoạt bố trí cán bộ đi kiểm tra. Cách làm này giải quyết được tình trạng thiếu cán bộ… Có thể các giải pháp này chưa bao quát hết các trường hợp phát sinh trong thực tế. Thế nhưng, đó cũng là các điều kiện cơ bản để quận, huyện lập lại trật tự lòng lề đường. Do đó, trong thời gian sắp tới, Ban ATGT sẽ nghiên cứu đề xuất thành phố có biện pháp quy trách nhiệm mạnh mẽ hơn nữa đối với các địa phương không làm tốt công tác lập lại trật tự lòng lề đường.

Chiếm dụng lòng đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5 để buôn bán. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Chiếm dụng lòng đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5 để buôn bán. Ảnh: PHẠM CAO MINH

* Tình trạng kinh doanh buôn bán lấn chiếm lòng lề đường không phải nhỏ như… cây kim. Ông có nghĩ rằng, để cho lòng lề đường bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh buôn bán như hiện nay có sự bao che của chính quyền địa phương?

* Đã có nhiều đơn thư của người dân gửi lên Ban ATGT TPHCM cho rằng, nhất định phải có sự bao che của chính quyền địa phương đối với hành vi ngang nhiên lấn chiếm lòng lề đường làm nơi kinh doanh. Mới đây nhất, Ban ATGT TPHCM đã nhận được một số đơn thư khiếu nại của người dân ở các khu vực đường Lý Thái Tổ, Lê Hồng Phong… xung quanh vấn đề này. Ban ATGT TPHCM đã yêu cầu ban ATGT các địa bàn có hành vi lấn chiếm lòng lề đường làm rõ sự việc. Phần lớn ban ATGT các địa phương đều khẳng định, không có hành vi bao che mà đây chỉ là do địa phương chưa tích cực xử lý hành vi sai phép ấy. Các vấn đề còn được xem xét thêm nhưng tại sao người dân nghi ngờ là hoàn toàn có thể hiểu được… Hành vi sai trái diễn ra giữa “thanh thiên bạch nhật”. Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường làm nơi kinh doanh buôn bán đã không chỉ ảnh hưởng đến trật tự ATGT thành phố mà ít nhiều đã ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với hoạt động quản lý địa bàn của chính quyền địa phương. Và đây cũng là một trong những lý do quan trọng để Ban ATGT TPHCM đề xuất phải quy trách nhiệm mạnh hơn đối với các địa phương để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng lề đường.

* Như ông vừa nói ở trên, có thể các giải pháp vừa qua giúp người mưu sinh trên vỉa hè, lòng lề đường chưa bao quát hết thực tế… Vậy Ban ATGT TPHCM có nghiên cứu tìm thêm các giải pháp? Không thể giải quyết tận gốc và hợp tình, hợp lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán nếu không quan tâm đến số phận của những người buôn bán này…

* Đúng thế. Nhiều vỉa hè đã được kẻ vạch vàng để phân chia phần dành cho kinh doanh, được để xe và phần vỉa hè dành cho người đi bộ. Giải pháp này mới chỉ giải quyết được nhu cầu kinh doanh của những hộ gia đình ở mặt tiền đường. Còn rất nhiều đối tượng khác mà thành phố cần quan tâm. Sắp tới Ban ATGT TPHCM sẽ nghiên cứu và đề nghị các địa phương có giải pháp sắp xếp lại nơi buôn bán cho tiểu thương ở các chợ tự phát nếu xét thấy rằng người dân trong khu vực đó có nhu cầu mua bán ở các chợ này. Tất nhiên nơi buôn bán mới phải ngăn nắp, không ảnh hưởng đến giao thông. Đối với các trường hợp buôn bán hàng rong, Ban ATGT sẽ đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho những người buôn bán này chuyển đổi ngành nghề mưu sinh. Những người không thể chuyển đổi, địa phương phải nắm danh sách và nghiên cứu, sắp xếp dành một khu vực cho họ kinh doanh. Tất nhiên, với những trường hợp cố tình lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán thì phải xử lý nghiêm.

TÂM ĐỨC thực hiện

Tin cùng chuyên mục