Ngày 1-4, Chính phủ đã thống nhất kiến nghị Quốc hội cho sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) theo hướng nếu người lao động không đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì được hưởng BHXH một lần. Kiến nghị này đã giải tỏa được bức xúc của công nhân một số doanh nghiệp về Điều 60 Luật BHXH 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016), trong đó có quy định việc không cho người tham gia BHXH được hưởng BHXH một lần như luật hiện hành.
Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hoan nghênh kiến nghị sửa đổi của Chính phủ, cho rằng việc trao thêm cho người lao động quyền lựa chọn giữa hưởng BHXH một lần khi nghỉ việc hoặc bảo lưu thời gian đã đóng BHXH để tiếp tục đóng và cộng dồn hưởng hưu trí sau này là phù hợp với tình hình thực tiễn và nguyện vọng của công nhân.
Nếu được Quốc hội chấp thuận, nút thắt này sẽ được gỡ, nhưng qua sự kiện cho thấy chất lượng xây dựng pháp luật hiện nay còn nhiều vấn đề phải bàn. Tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trung tuần tháng 3 vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, ông Nguyễn Kim Khoa thẳng thắn phát biểu: “Tôi tưởng các đồng chí nhầm, hóa ra không phải”! Ông Khoa đề cập đến đề nghị bổ sung dự án “Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân Việt Nam và Luật Nhà ở” vào chương trình xây dựng luật năm 2015.
Không chỉ Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa mà nhiều thành viên khác trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tỏ ra không hài lòng, vì dự án nói trên là “một luật sửa 5 luật” và có tới 3/5 luật này (gồm Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân Việt Nam và Luật Nhà ở) vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 và phải đến ngày 1-7-2015 mới có hiệu lực thi hành. Như vậy là luật vừa ban hành, chưa có hiệu lực đã phải sửa vì phát hiện những bất cập, những trường hợp không lường trước được trong suốt quy trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra… pháp luật.
Quy trình xây dựng luật chặt chẽ là vậy mà còn sai sót thì hướng dẫn thi hành bị phản ứng khá gay gắt hoặc “có cũng như không” là chuyện rất… bình thường! Trong một lần trả lời phỏng vấn mới đây, ông Hoàng Kim Chiến, Cục phó Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp cũng cho biết, việc xử lý nhiều hành vi bạo lực gia đình bị bế tắc. Chẳng hạn buộc kẻ thủ ác đưa nạn nhân đi cấp cứu, điều trị và chăm sóc họ, nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính, nhưng trong nhiều trường hợp cả nạn nhân và thủ phạm đều tay trắng. Quy định bố trí nhà tạm lánh cho nạn nhân trong nhiều hoàn cảnh cụ thể cũng không thực hiện được, vì người đi nhà tạm lánh lo không còn đường về… Một số ví dụ khác - không khó tìm - là cấm bán thuốc lá, cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai; sản xuất rượu thủ công phải đăng ký với chính quyền địa phương; không được bán thịt sau 8 giờ kể từ khi giết mổ…
Dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện (chuẩn bị được trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9 tới đây), nhưng trước đó Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và nhiều văn bản khác có liên quan đều đã quy định rõ về bước đánh giá tác động, dự báo sức sống của các VBQPPL khi được ban hành, đi vào cuộc sống. Mặc dù vậy, việc đánh giá tác động một cách khách quan, khoa học dựa trên cơ sở khảo sát thực tiễn và thăm dò dư luận xã hội, đặc biệt là tham khảo ý kiến những đối tượng chịu tác động trực tiếp có lẽ vẫn là khâu yếu kém nhất trong toàn bộ quy trình xây dựng VBQPPL. Rõ ràng, nếu thiếu nắng gió thực tế, chỉ “đi ra từ những phòng máy lạnh” thì văn bản pháp luật yếu ớt, thiếu sức sống là điều dễ hiểu.
ANH THƯ