Trong cuộc sống bộn bề hiện nay, đâu mấy ai thu xếp được thời gian đến nhà hát xem nghệ thuật mỗi tuần, thậm chí mỗi tháng. Ấy là chưa kể nhiều khán giả có thói quen thường chỉ đi thưởng thức nghệ thuật chung với cả gia đình. Đó cũng là dịp củng cố, tăng cường mối quan hệ giềng mối trong một gia đình, tạo thêm sức mạnh cho tế bào của xã hội.
Xét cho cùng thì các đơn vị nghệ thuật chính quy hiện nay - tuy có năng động hơn trước - nhưng chưa thể vươn xa thường xuyên đến các khu dân cư lao động, thôn xóm miền quê, vùng sâu vùng xa. Do vậy, xã hội đang cần lắm những đoàn hát, gánh hát, đội chiếu phim lưu động được tổ chức gọn nhẹ, năng động và hiệu quả. Nhà nước giữ vai trò quản lý một cách hợp lý nhằm tác động, tạo điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật “mini” này phục vụ cộng đồng tốt nhất.
Theo một cuộc khảo sát mới đây, đa số họ là những nghệ sĩ nghiệp dư nhưng rất “máu nghề” và biểu diễn vẫn đạt yêu cầu thưởng thức của công chúng trên địa bàn dân cư vốn thích xem ở gần nhà với cả gia đình, lối xóm. Chính sự tiện lợi này đã khiến một số nhóm hát, gánh hát cải lương, tân nhạc, xiếc được tổ chức theo dạng xã hội hóa… có đất dụng võ, làm nghề và kiếm sống được bằng nghề.
Ngành văn hóa và chính quyền cơ sở cần quản lý các gánh hát, nhóm hát kiểu này một cách hợp lý và đúng định hướng, theo đó thực hiện nghiêm túc quy định hiện hành về tổ chức biểu diễn; khuyến khích biểu diễn nghệ thuật đích thực, sử dụng những tuồng tích, bài hát đã được nhà nước cho phép phổ biến rộng rãi; trang phục lành mạnh; đảm bảo trật tự xã hội, vệ sinh môi trường nơi biểu diễn. Ngoài ra, do đặc điểm của TPHCM có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đông công nhân nên việc khuyến khích đưa nghệ thuật đi lưu động phục vụ tại các khu vực này là một yêu cầu bức thiết, cả trước mắt lẫn lâu dài. Đội ngũ công nhân và lao động cần được ưu tiên đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn về phúc lợi văn hóa bao gồm thưởng thức nghệ thuật biểu diễn, phim ảnh, sách báo, thể thao… Điều này cũng góp phần không nhỏ nhằm nâng cao nhận thức của các tập thể công nhân và lao động trong thời kỳ mới.
Càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, chúng ta càng cần có trách nhiệm trong việc chăm lo, củng cố và nâng cao nhận thức cho những người lao động nói chung và công nhân nói riêng. Văn hóa nhất thiết phải thấm sâu vào khu vực này. Ấy là chưa kể đến khu vực dân cư với những đám tiệc vui, buồn hiện nay cũng thường có nhu cầu thưởng thức văn nghệ đột xuất. Và, những đơn vị nghệ thuật nhỏ gọn, năng động theo hướng xã hội hóa chắc chắn sẽ góp phần tích cực. Khi được tổ chức tốt, họ vừa đáp ứng, vừa hướng dẫn nâng cao thị hiếu người lao động.
Về lâu dài, khi các gánh hát, nhóm hát, đội ca được bồi dưỡng nghiệp vụ hoặc đào tạo bài bản như đội cải lương xung kích Trần Hữu Trang, hay các nhóm đờn ca tài tử ở Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Long An, Bình Dương… lại càng phát huy hiệu quả tích cực.
Trong tình hình hiện nay, chỉ có thể huy động nguồn lực của xã hội trên cơ sở lấy thu bù chi mới có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng về nghệ thuật của cộng đồng dân cư sinh sống phân tán, dàn trải trên địa bàn.
Mấy năm qua, Trung tâm Văn hóa TPHCM đã biên soạn và xuất bản được nhiều tập sách nhạc, CD chương trình nhạc lễ tài tử Nam bộ, nhạc dành riêng cho đám tang, đám cưới, những tiểu phẩm xã hội cổ vũ tiết kiệm, cái thiện, cái đẹp và phê phán cái ác, cái xấu đang diễn ra trong xã hội…
Các nhóm kịch, nhóm ca hát nhỏ lẻ thường dựa vào đó biểu diễn nên đạt kết quả đáng khích lệ. Hơn thế nữa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã khích lệ được các hoạt động văn nghệ quần chúng “cây nhà lá vườn” phát triển, cũng góp phần không nhỏ đưa nghệ thuật lan tỏa rộng phục vụ cộng đồng. Nguồn lực có sẵn, động thái còn lại là quản lý, sắp xếp hợp lý ắt sẽ tạo thêm nội lực nhằm nâng cao đời sống văn hóa cơ sở.
X.THÁI