(SGGPO).- Dự án Luật Chính quyền địa phương đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến tại phiên họp sáng nay, 20-1.
Mô hình tổ chức chính quyền địa phương tiếp tục là vấn đề được thảo luận khá sôi nổi trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì lẽ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện đưa ra đề nghị, lấy ý kiến nhân dân về vấn đề này trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Theo ông Phan Trung Lý, trên cơ sở nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị 2 phương án tiếp thu, chỉnh lý.
Ở phương án 1 có sự phân biệt rõ rệt giữa địa bàn nông thôn và đô thị.
Ở nông thôn, sẽ tổ chức cấp chính quyền (có HĐND và UBND) tại 3 cấp đơn vị hành chính là tỉnh, huyện, xã.
Ở đô thị, chỉ tổ chức cấp chính quyền (có HĐND và UBND) tại TP trực thuộc trung ương, thị xã, TP thuộc tỉnh, quận và đơn vị hành chính tương đương; còn tại các phường sẽ chỉ tổ chức cơ quan hành chính để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.
Đây là phương án được chọn thể hiện trong dự thảo. Ông Lý giải thích thêm: “Việc tổ chức chính quyền địa phương theo phương án 1 thể hiện sự phân biệt giữa mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính nông thôn với đơn vị hành chính đô thị theo như yêu cầu đã nêu trong Hiến pháp năm 2013.
Phương án này cũng có sự kế thừa những kết quả tích cực trong việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội”.
Việc tổ chức chính quyền 2 cấp ở đô thị sẽ bảo đảm tính thống nhất, liên thông về quản lý quy hoạch, kết cấu hạ tầng và đời sống dân cư trên địa bàn, tinh giản về tổ chức bộ máy, song vẫn bảo đảm thực hiện quyền đại diện của nhân dân.
Phương án 2 là tiếp tục quy định cấp chính quyền địa phương (có HĐND và UBND) được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính, kể cả nông thôn và đô thị.
Ưu điểm của phương án này là đảm bảo sự thống nhất giữa việc phân chia đơn vị hành chính với việc thiết lập tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính đó.
Tuy nhiên, nếu chấp nhận phương án này thì cần điều chỉnh lại quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo theo quy định tại Điều 111 của Hiến pháp mới.
* Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật này một chương quy định về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, trong đó xác định tính chất của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc thành lập, giải thể các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và quy định có tính nguyên tắc về tổ chức chính quyền địa phương tại các đơn vị này…
ANH PHƯƠNG