Đề nghị tăng thời gian chất vấn tại Quốc hội

(SGGPO).- Trong ngày làm việc đầu tiên của phiên họp thứ 5 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) hôm nay, ngày 19-12, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế phối hợp giữa Tòa án Nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức; cho ý kiến về việc kéo dài thời gian thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trụ sở cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Chiều cùng ngày, cơ quan thường trực của Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của UBTVQH quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước (thay thế Nghị quyết số 1139/2007/UBTVQH11). UBTVQH cũng đã đánh giá kết quả kỳ họp thứ 2 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Kỳ họp để lại dấu ấn bởi tính tranh luận

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, sau hơn một tháng làm việc với tinh thần dân chủ, nghiêm túc và trách nhiệm, kỳ họp thứ 2 đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành khối lượng công việc lớn trong chương trình nghị sự. Đây cũng là kỳ họp tạo dấu ấn mạnh mẽ với cử tri bởi tính tranh luận, góp phần giúp các phiên họp sôi nổi và tập trung hơn. Đáng lưu ý, phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa XIV với nhiều đổi mới trong cách thức tiến hành đã diễn ra trong bầu không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn với tinh thần xây dựng, cầu thị vì sự phát triển bền vững của đất nước và để lại ấn tượng sâu sắc, có sức lan tỏa tới cử tri cả nước.

Phát biểu tại phiên họp, các ý kiến trong UBTVQH cơ bản đồng tình với nhận định trên và chỉ rõ, một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào thành công của kỳ họp chính là công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, công tác điều hành đã thể hiện sự linh hoạt, nghiêm túc, chuyên nghiệp; hướng đại biểu tập trung thảo luận vào những vấn đề trọng tâm, còn ý kiến khác nhau, những vấn đề bức xúc của xã hội. Hầu như tất cả các đại biểu muốn nêu câu hỏi đều đã được hỏi, nếu chưa được trả lời ngay tại hội trường thì trả lời sau đó bằng văn bản.

“Cơ chế ưu tiên tranh luận là điểm mới của kỳ họp này, song người điều hành cần xử lý linh hoạt hơn các trường hợp “chen luận”, chưa thực sự là tranh luận. Tôi cũng cho rằng tranh luận không chỉ diễn ra giữa ĐBQH với cơ quan soạn thảo mà tranh luận còn có thể là giữa các ĐBQH với nhau”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định lưu ý, tiến độ và chất lượng chuẩn bị một số dự án luật, nghị quyết chưa được như mong muốn. Người đứng đầu Ủy ban Pháp luật cho biết: “Tới đây, chúng tôi sẽ rà soát, báo cáo tiến độ chuẩn bị các dự án luật hàng tháng”.

Lùi tiến độ trình một số dự án luật

Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ dành hơn một nửa thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (14,5/22,5 ngày làm việc), để xem xét, thông qua 13 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 8 dự án luật. Các nội dung khác, theo thông lệ, bao gồm việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác được dành 7 ngày.

Khác với các kỳ họp trước, tại kỳ họp này sẽ không bố trí Quốc hội làm việc ngày thứ Bảy để bảo đảm thời gian nghỉ và nghiên cứu tài liệu của đại biểu Quốc hội.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc giải trình thêm: “Trong mảng công tác xây dựng pháp luật, dự án Luật Công an xã và dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được rút ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 2. Vì vậy, đề nghị UBTVQH chỉ đạo các cơ quan hữu quan căn cứ tình hình chuẩn bị để sớm khẳng định việc có hay không trình 2 dự án Luật này tại kỳ họp thứ 3. Tương tự, dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội cho ý kiến từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5. Đề nghị UBTVQH cho ý kiến chỉ đạo về vấn đề này, vì dự kiến nội dung chưa có dự án Luật này”.

Để nâng cao chất lượng chuẩn bị các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị UBTVQH xem xét, quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào tuần đầu tiên của tháng 4-2017 để cho ý kiến về một số dự án luật quan trọng như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Quy hoạch, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Luật Đường sắt (sửa đổi)…

Đặc biệt, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, qua tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội về đánh giá, rút kinh nghiệm kỳ họp, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn lên 3 đến 3,5 ngày để đại biểu có thêm thời gian tranh luận, làm rõ vấn đề nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị UBTVQH báo cáo Quốc hội cho phép từ kỳ họp thứ 3 trở đi bố trí 3 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp.

Chính phủ xin thêm thời gian nghiên cứu việc kỷ luật cán bộ về hưu

Dự thảo nghị quyết xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu chưa được Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, do đây là nội dung quan trọng, cần có thêm thời gian để nghiên cứu. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết như vậy tại phiên khai mạc phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ngoài ra, còn 2 nội dung khác cũng được rút ra khỏi chương trình so với dự kiến ban đầu, gồm: Việc xem xét một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự; Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục