Chiều 21-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Đa số các ý kiến thảo luận đề nghị tập trung làm rõ chức năng quyền hạn của Thủ tướng, nhất là đối với việc bổ nhiệm, cán bộ cấp dưới.
ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ), Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương; ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM); ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) và nhiều ĐB cho rằng cần quy định ngay trong luật cơ cấu, số lượng các bộ, tên gọi các bộ, cơ quan ngang bộ… để tránh “co giãn” sau này. ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cũng đồng tình việc ghi rõ trong luật như vậy nhằm bảo đảm không “đẻ thêm ghế nào”. Đặc biệt, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) và khá nhiều ĐB để khắc phục tình trạng cấp phó hiện nay, cần quy định rõ số lượng cấp phó (thứ trưởng) ngay trong luật.
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) phát biểu ý kiến.
Vấn đề quyền hạn của Thủ tướng cũng là vấn đề các ĐBQH quan tâm. ĐB Bùi Thị An cũng đề nghị cần ghi rõ quyền hạn và trách nhiệm của Thủ tướng để tăng tính trách nhiệm của Thủ tướng trước Quốc hội, trước dân, nhất là trong trường hợp phải xử lý các sự cố quan trọng. ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng, Thủ tướng thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua cơ quan đại chúng về những vấn đề quan trọng, vậy thì cần làm rõ những vấn đề quan trọng là gì. ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) cũng có quan điểm, phải tăng thực quyền của Thủ tướng, nhất là thẩm quyền về nhân sự để qua đó nâng cao kỷ cương kỷ luật trong cơ quan Nhà nước. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề xuất, khi chủ tịch UBND các tỉnh, thành ban hành các văn bản, chính sách hoặc có hành vi làm xâm phạm đến lợi ích của đất nước thì Thủ tướng có quyền đình chỉ mà không chờ phải xem xét có trái với Hiến pháp hay không.
Nhiều ĐB cho rằng, luật có tới 4 trang ghi về chức năng của Thủ tướng. “Nhiều đến nỗi chắc Thủ tướng cũng chả nhớ hết. Tại sao giao nhiều việc quá vậy? Chẳng hạn quyết định thành lập trường đại học, sao không giao Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Thủ tướng là lãnh đạo, không phải là nhà quản lý. Việc nhỏ nào cũng đẩy lên Thủ tướng thì biến Thủ tướng thành người quản lý”, ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) nói. Tán thành điều này, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) góp ý thêm, trong khi quá nhiều chức năng thì chức năng cần làm rõ của Thủ tướng trong bổ nhiệm, cách chức cán bộ cấp dưới lại rất mờ nhạt. “Việc bổ nhiệm, cách chức mà vẫn cứ phải xem xét qua bao nhiêu khâu thì còn làm được gì”, ĐB Trần Thị Quốc Khánh nói. ĐB Bùi Sỹ Lợi cũng đề nghị cần ghi rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ cả về hành pháp, kinh tế. Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị phải phân định rõ chức năng quyền hạn giữa Thủ tướng và Chính phủ vì vẫn còn nhiều nội dung chưa rạch ròi.
Đặc biệt, ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) và nhiều ĐB khác đều cho rằng, cần quy định rõ hơn về phân cấp của Chính phủ đối với địa phương, cơ sở; bảo đảm tính chủ động của địa phương. ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, tồn tại lớn nhất của nền hành chính chúng ta là không rõ ràng về trách nhiệm của bộ máy công vụ, đâu là trách nhiệm của Chính phủ, đâu là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Ví dụ vấn đề hàng gian, hàng giả, trách nhiệm của ai chưa rõ. “Phải rõ cái gì Chính phủ làm, cái gì địa phương làm. Hiện nay vấn đề này chưa rành mạch. Vì vậy, đề nghị luật phải thiết kế lại theo hướng làm rõ chính quyền địa phương làm gì, chịu trách nhiệm gì; chính quyền Trung ương (Chính phủ) làm gì, chịu trách nhiệm gì. Những gì địa phương làm thì Chính phủ chỉ kiểm tra, giám sát”, ĐB Trần Du Lịch đề nghị.
PHAN THẢO