Sáng 19-1, phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc tại Hà Nội. Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH đã nghe và thảo luận về Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Luật Thú y (sửa đổi); cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật để bảo đảm thi hành Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Kéo dài tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự với đối tượng đã được tạm hoãn
Thảo luận về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS), đa số ý kiến trong UBTVQH tán thành trong thời bình vẫn nên tạm hoãn thực hiện NVQS cho đối tượng là sinh viên đang học đại học hệ chính quy. Độ tuổi thực hiện NVQS với những đối tượng đã được tạm hoãn thực hiện NVQS sẽ kéo dài đến 27 tuổi, còn lại vẫn từ 18 đến 25 tuổi. Đề nghị của cơ quan thẩm tra về việc cho phép các đối tượng trong độ tuổi “tham gia chương trình thanh niên trí thức tình nguyện, thực hiện NVQS thông qua việc tham gia đào tạo sĩ quan dự bị; tự bảo đảm chi phí để tham gia chương trình huấn luyện quân sự tập trung 3 tháng tại các đơn vị quân đội hoặc trung tâm giáo dục quốc phòng” không được UBTVQH đồng tình.
Tại phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết thêm, chúng ta muốn gọi nhập ngũ tất cả các công dân trong độ tuổi để cống hiến cho đất nước và có cơ hội rèn luyện trong môi trường quân đội, nhưng điều này là rất khó. Mỗi năm quân đội chỉ có thể tuyển khoảng 100.000 người. Cũng vì thế mà việc sinh viên tự đảm bảo kinh phí học tập trung trong 3 tháng để được công nhận đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự cũng là không khả thi, vì các trung tâm giáo dục quốc phòng an ninh hiện nay không đáp ứng được.
Hiệu lực, hiệu quả của giám sát vẫn chưa rõ
Thảo luận về dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), nhiều ý kiến trong UBTVQH nhấn mạnh yêu cầu nâng cao hiệu quả, hiệu lực giám sát của Quốc hội, HĐND. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cùng chia sẻ băn khoăn về khái niệm “giám sát tối cao”.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ra hàng loạt câu hỏi: “Luật quy định Quốc hội giám sát hoạt động của Nhà nước, nhưng cụ thể là những hoạt động gì, cơ quan nào thực hiện, có bao gồm hành vi cá nhân của cán bộ công chức, viên chức hay không? Tôi cho rằng cần bổ sung các quy định để bảo đảm hiệu lực hiệu quả của giám sát, chứ viết như dự thảo thì chỉ mới liệt kê các hình thức giám sát, trách nhiệm của cơ quan tổ chức cá nhân được giám sát mà thôi. Hậu quả pháp lý thế nào, nếu kết luận giám sát không được thực hiện nghiêm túc? Sự khác nhau giữa giám sát với thanh tra cũng không rõ”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng thẳng thắn cho rằng, dự luật chưa có nhiều điểm mới mang tính đột phá. “Tôi kỳ vọng luật này rất nhiều để đổi mới hoạt động của Quốc hội, nhưng viết như thế này thì hơi thất vọng. Vừa qua, việc giám sát cũng đã đem lại một số kết quả đáng ghi nhận; như việc lấy phiếu tín nhiệm, một số việc cụ thể cũng có chuyển biến rõ như giám sát về các dự án thủy điện. Nhưng nhiều việc thì giám sát có khi chưa có tác dụng bằng một bài báo xoáy sâu vào một vấn đề cụ thể…”.
Chiều 19-1, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về đề án tổng kết, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội nhằm bảo đảm hiệu lực thi hành Luật Tổ chức Quốc hội kể từ ngày 1-1-2016. Theo đó, sau khi quyết định danh mục các văn bản cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để bảo đảm việc thi hành Luật Tổ chức Quốc hội, UBTVQH tự tiến hành điều chỉnh chương trình hoặc trình Quốc hội quyết định điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết năm 2015. Các văn bản cần trình Quốc hội xem xét, thông qua, sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2015).
ANH THƯ