(SGGP).- Ngày 19-8, tại Hội trường Dinh Thống Nhất, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TPHCM tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2011-2015.
Qua 13 năm hoạt động, kể từ ngày thành lập đến nay, đặc biệt là trong nhiệm kỳ III (2006-2010), hội đã tổ chức nhiều chương trình hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi có cơ hội tự khẳng định mình, tự lực trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng, góp phần thực hiện an sinh xã hội.
Trong nhiệm kỳ III, hội đã vận động gây quỹ giúp người tàn tật và trẻ mồ côi hơn 44,5 tỷ đồng. Hội đã thành lập Trung tâm Dạy nghề cho người tàn tật, hoạt động theo kiểu cuốn chiếu, năm 2006 khai giảng lớp đầu tiên và tổ chức khánh thành vào cuối năm 2009, tổng kinh phí trên 35 tỷ đồng. Nhiều người sau khi học nghề xong, đã xin vào làm công nhân cho những công ty, xí nghiệp với nghề tin học, may công nghiệp, tranh ghép gỗ, hoa vải, điện công nghiệp, sửa chữa điện thoại di động, kim hoàn, kế toán…
Học viên đến học được trung tâm lo nơi ăn chốn ở chu đáo, kể cả tập vở, quần áo. Đến nay đã tổ chức 93 khóa học với 1.016 học viên với 100% tốt nghiệp, được giải quyết việc làm. Hội còn tặng 1.160 xe lăn, xe lắc cho người tàn tật nghèo. Để giúp các em học sinh khuyết tật, nghèo, hội đã thực hiện chương trình “Vì tương lai học sinh tàn tật, mồ côi” với mức học bổng cao nhất là 4,8 triệu đồng/năm. Tổng số học bổng đã cấp hơn 9.000 suất…
Đại hội đã bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ IV gồm 52 vị; ông Trần Văn Nhiều được bầu làm Chủ tịch hội, NSƯT Kim Cương là Phó Chủ tịch thứ nhất. Đại hội cũng nhất trí đổi tên hội thành “Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM”.
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí nhấn mạnh, để đạt hiệu quả cao hơn trong việc dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, chúng ta cần phải gắn việc học nghề với bổ túc văn hóa. Có như vậy, các học viên mới có điều kiện học và thi vào những trường cao đẳng, đại học.
Sáng cùng ngày, tại hội thảo “Đánh giá việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên” tổ chức tại TPHCM, Trung ương Đoàn cho biết trong giai đoạn 2008-2010 tỷ lệ thiếu việc làm ở thanh niên trong độ tuổi lao động của cả nước có xu hướng tăng. Năm 2008 tỷ lệ này là 3% thì năm 2009 tăng lên 5,6% và 6 tháng đầu năm 2010 ở mức 4,8% trong tổng số hơn 16 triệu thanh niên trong độ tuổi lao động. Một trong các nguyên nhân là việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên còn gặp khó khăn.
Trung ương Đoàn cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ tháo gỡ một số chính sách còn chồng chéo. Trong tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, cần có chính sách để hoạt động này không còn mang tính đối phó. Chính sách cho thanh niên vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm cần nới rộng mức cho vay, đối tượng được vay và làm đơn giản thủ tục cho vay…
NH. NGÂN - TH. AN