Sau một thời gian lúng túng với dấu hiệu sụt giảm trầm trọng của lượng khách du lịch quốc tế, việc chính thức phát động chiến dịch kích cầu du lịch nội địa mang tên “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” ngày 7-7 vừa qua được coi là một trong những giải pháp được kỳ vọng nhằm giữ vững mức tăng trưởng của ngành công nghiệp không khói.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, trong giai đoạn khó khăn, chính du lịch nội địa là động lực hỗ trợ cho duy trì tăng trưởng ổn định của ngành du lịch việt Nam, giúp vượt qua thách thức. Thực tế chứng minh chính nhờ chương trình kích cầu du lịch nội địa mà năm 2013, ngành du lịch đã đón 35 triệu lượt khách nội địa. Chương trình cũng đã được đánh giá tốt, có nhiều giá trị thực tiễn, là bàn đạp tạo đà tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2014.
Từ xuất phát điểm này, gói kích cầu du lịch nội địa kêu gọi người dân đi du lịch với thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” tập trung vào các điểm đến trọng điểm, đặc biệt là các điểm đến tại vùng miền núi, hải đảo, nơi khó khăn vừa nhằm bù đắp sự thiếu hụt của du khách quốc tế nhằm hỗ trợ, cải thiện kinh tế - xã hội tại chính các địa phương.
Rất có lý khi nhiều người nói rằng chẳng cần đi du lịch đâu xa cho tốn kém, bởi ngay tại Việt Nam bạn cũng có thể trải nghiệm và khám phá bao điều lý thú. Tổ quốc ta tuyệt đẹp, từ Mèo Vạc, Lũng Cú đến đất mũi Cà Mau, nơi nào cũng mang dáng dấp thần tiên, bởi những cảnh quan vô cùng tuyệt mỹ, sống động mà tạo hóa đã ban cho. Việt Nam đa sắc màu văn hóa của 54 dân tộc anh em, với những con người hiền hậu, chịu thương chịu khó bền bỉ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với biển, ta có cả một chiều dài lý tưởng, là quốc gia đứng thứ 27/156 quốc gia có biển trên thế giới với 125 bãi tắm biển đẹp. Còn với thắng tích Việt Nam có cả một kho tàng đồ sộ bởi các cảnh quan thiên nhiên rung động lòng người mà ở đâu, miền đất nào trên quê hương Việt Nam cũng có. Mỗi chuyến đi, mỗi lần trải nghiệm mỗi du khách lại thêm hiểu và thêm yêu đất nước mình hơn.
Vẫn biết rằng “xuất khẩu trong nước” đem lại lợi đơn, lợi kép song trên thực tế để kích cầu du lịch nội địa trong giai đoạn này là việc không đơn giản. Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, ở Việt Nam, sự thiếu kết hợp của các ngành kinh tế vẫn diễn ra thường xuyên đã làm giảm tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam đối với các nước trong khu vực. Sự hợp tác của các ngành dịch vụ chưa tốt, giá cao gây khó khăn cho các công ty lữ hành. Chúng ta luôn mong muốn người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, nhưng ngược lại, các đơn vị liên quan không cộng tác mà thi nhau tăng giá. Các công ty du lịch nội địa hiện nay đang phát hoảng lên vì giá cả trong nước thay đổi quá lớn.
Giá tour du lịch nội địa hiện đã tăng khoảng 30% - 50% do giá đầu vào (vé máy bay, điện, xăng dầu, lương thực thực phẩm) tăng quá cao khiến giá các dịch vụ vận chuyển, nhà hàng, khách sạn đều tăng đến mức nhiều công ty du lịch bối rối, không biết phải làm thế nào để vừa bán được tour, vừa thu hút được khách mà lại không bị lỗ. Trong khi đó thì nhiều thị trường trong khu vực châu Á vẫn đang tung ra các chương trình giảm giá mạnh, các chiến dịch bán hàng giảm giá, quà tặng, phần thưởng hấp dẫn để thu hút khách nước ngoài.
Nếu chỉ hô hào suông rằng nước ta nhiều cảnh đẹp, hay du lịch nội địa là yêu nước... mà không có những thay đổi về chiều sâu bằng cách xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, dịch vụ chuyên nghiệp. Nhiều điểm đến du lịch trong nước vẫn giữ kiểm làm ăn “chộp giật”, tận thu như vừa xảy ra trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, thì “thượng đế” dù có dễ tính đến mấy chắc cũng phải quay lưng lại với du lịch trong nước.
Với một thị trường 90 triệu dân, lẽ ra du lịch nội địa của Việt Nam phải phát triển mạnh mẽ và vượt trội so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia. Tuy nhiên, thực tế có thể thấy du lịch Việt Nam hơn một thập kỷ qua phát triển tự do, manh mún, thiếu tổng thể và thiếu sự quản lý chặt chẽ.
Động thái phát động chiến dịch kích cầu du lịch nội địa mang tên “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” vừa đưa ra và được kỳ vọng là biện pháp để giữ mức tăng trưởng của ngành công nghiệp không khói, nhưng trong bối cảnh cả hạ tầng và thượng tầng du lịch ở Việt Nam đều chưa hoàn thiện thì một chiến dịch xem ra có vẻ đang thiếu sự hỗ trợ, thiếu chỉ dẫn, thiếu cam kết kinh tế mà chỉ dừng lại ở hô hào suông sẽ khó có thể xoay chuyển cứu vãn được tình thế.
MAI AN