
Vấn đề sử dụng phụ gia thực phẩm để tạo sự hấp dẫn ngày càng bị lạm dụng (sử dụng quá nhiều, hoặc dùng các chất bị cấm trong thực phẩm như màu công nghiệp, hàn the, phóoc- môn), có thể dẫn đến nhiều tác hại cho sức khỏe: ngộ độc cấp tính: nôn ói, tiêu chảy, nhức đầu, chóng mặt; ngộ độc mạn tính: gây độc cho dạ dày, gan thận, não và các bệnh ung thư, đột biến gien, quái thai...
Quà bánh - những loại thực phẩm dễ bị lạm dụng dùng chất phụ gia có hại để chế biến.
Phẩm màu: thường được bổ sung vào bánh kẹo, mứt, hạt dưa, xôi, chè, lạp xưởng, mì sợi, bơ, thức uống, kem, các loại nước giải khát … để làm tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm. Có hai loại phẩm màu: phẩm màu tổng hợp (dùng trong công nghiệp thực phẩm và công nghiệp khác) phẩm màu tự nhiên. Phẩm màu dùng trong công nghiệp khác không được phép dùng cho thực phẩm. Tuy nhiên, vì giá rẻ nên nhiều người vẫn dùng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Độc tính của phẩm màu gồm: mức độ nhẹ: buồn nôn, nôn mửa, rối loạn tiêu hóa, gây dị ứng, nổi mụn, chàm, ngứa, phù… Mức độ nặng (sử dụng lâu dài và thường xuyên): tổn thương gan, thận, thần kinh, có thể gây ung thư và ảnh hưởng đến bào thai. Nếu cần tạo màu cho thực phẩm, nên chọn màu tự nhiên (lá dứa, gấc, cà phê) hoặc phẩm màu tổng hợp dùng trong thực phẩm. Cần hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn có màu sặc sỡ vì có thể có chứa phẩm màu công nghiệp.
Đường hóa học: Là những chất không có giá trị dinh dưỡng, không tạo năng lượng cho cơ thể, được sử dụng với một lượng rất ít nhưng có độ ngọt rất cao. Có rất nhiều loại đường hóa học được bán trên thị trường: Loại rẻ tiền: Saccarin (ngọt gấp 300 lần đường thường). Dùng thường xuyên có thể bị chứng khó tiêu. Loại đắt tiền hơn: Aspartam (ngọt gấp 180 lần), Acesulfame K (ngọt gấp 150 lần), Sucralose (ngọt gấp 600 lần). Loại tốt, an toàn cho sức khỏe: thường được bán tại các nhà thuốc tây (như Aspartam, sử dụng cho người tiểu đường, béo phì…). Mới nhất có loại Sucralose khá an toàn khi sử dụng.
Nên hạn chế thêm đường hóa học trong qúa trình chế biến thực phẩm. Nếu cần phải sử dụng đường hóa học thì nên theo chỉ dẫn của bác sĩ và nên mua tại các nhà thuốc tây.
Hàn the: Là một phụ gia trước đây thường được cho vào các loại thực phẩm như giò chả, bánh xu xê, bánh da lợn, mì sợi, nem chua, dưa chua… để làm tăng tính dai, giòn; cho vào thực phẩm tươi sống như thịt, cá, tôm, để chắc thịt, lâu ươn.
Hàn the sau khi sử dụng sẽ tích lũy trong cơ thể, gây khó tiêu, chán ăn, mệt mỏi; gây độc cho thai nhi, ảnh hưởng đến sự phát triển cuả trẻ em. Thậm chí có thể gây tử vong nếu sử dụng với lượng lớn hơn 5g/lần. Bộ Y tế có quy định: Không được sản xuất hoặc buôn bán chất hàn the và các loại thực phẩm có chứa hàn the. Thay cho hàn the, có thể sử dụng chất phụ gia an toàn PDP hoặc polyphotphat- không độc, được chế tạo từ vỏ ốc, tôm, cua, sò.
Bột ngọt: là chất tạo vị thường dùng để nêm nếm thức ăn. Tuy nhiên, nếu sử dụng nhiều có thể ảnh hưởng đến trí nhớ của người lớn và sự phát triển não bộ của trẻ nhỏ.
Bạn đọc cần tìm hiểu thông tin liên quan đến phụ gia thực phẩm, có thể liên hệ: - Khoa Vệ sinh an toàn thực phẩm- Trung tâm y tế dự phòng TPHCM: 699, Trần Hưng Đạo, Q5. ĐT: 9.242.236 - Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe TP: 59 B, Nguyễn Thị Minh Khai, Q1 (9.309.878). - Viện Vệ sinh y tế công cộng TP: 159, Hưng Phú, P.8, Q8. ĐT: 8.559.503 và các Trung tâm y tế dự phòng quận huyện… |
Cần lưu ý: một số người nhạy cảm với bột ngọt khi ăn có thể có những triệu chứng: nóng bừng mặt, cứng gáy, chóng mặt, tê lưỡi, nhức đầu, buồn nôn. Bộ Y tế cũng đã quy định không sử dụng bột ngọt cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Người lớn không dùng quá 2g /ngày (khoảng nửa muỗng cà phê). Nên tạo vị ngọt của các món ăn bằng chất đạm thật sự có trong thực phẩm tự nhiên (thịt, cá, rau củ, hải sản).
Cần lưu ý:
Đối với gia đình: Nên mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng (có bao bì, nhãn hiệu đầy đủ). Nên mua thực phẩm tươi, sạch về chế biến hơn là dùng thực phẩm chế biến sẵn không rõ nguồn gốc. Hạn chế sử dụng các thực phẩm cho quá nhiều hương liệu, có màu sắc sặc sỡ hoặc bị tẩy trắng bất thường.
Đối với cơ sở chế biến thực phẩm: Chỉ nên sử dụng các loại phụ gia thực phẩm theo danh mục cho phép của Bộ Y tế và liều lượng trong giới hạn cho phép. Chỉ dùng thực phẩm tươi tốt, chất lượng cao để bảo đảm an toàn cho sức khỏe.
(Nguồn: Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe TPHCM)
Thùy My