Đề tài, công trình khoa học: Phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống

Đề tài, công trình khoa học: Phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống

Hiện nay, ngoài các Chương trình KH-CN trọng điểm quốc gia, không có một số liệu thống kê nào cho biết, ở Việt Nam hàng năm có bao nhiêu đề tài nghiên cứu khoa học các cấp được triển khai. Và cũng chưa có số liệu nào nói rõ, bao nhiêu phần trăm trong tất cả các đề tài nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được triển khai đó hoàn thành; bao nhiêu thất bại; bao nhiêu được ứng dụng vào thực tế...

Đề tài từ đơn đặt hàng

Các đề tài khoa học, nhất là những công trình lớn ở Việt Nam hiện nay chủ yếu xuất phát những chương trình, đề án được thực hiện theo “kế hoạch”, gần hơn thì theo “đơn đặt hàng” của Nhà nước, bộ ngành hoặc tổ chức nào đó. Vấn đề được dư luận nói nhiều là rất nhiều đề tài gọi là “nghiên cứu khoa học” nhưng thực ra làm cho có và không có giá trị về mặt khoa học cũng như tính ứng dụng trong thực tế. Trong góp ý về “Định hướng và giải pháp phát triển KH-CN Việt Nam 2010 - 2020”, GS Hoàng Tụy cho rằng những cái gọi là “đề tài khoa học” ấy thật ra thuộc về chức trách, nhiệm vụ của các bộ, ngành. Chẳng hạn, làm giáo dục thế nào cho tốt thì đấy là công việc mà cơ quan lãnh đạo giáo dục cần phải nghiên cứu. Nhưng việc đó được lập thành một đề tài khoa học cấp nhà nước, được cấp kinh phí rất lớn.

“Họ đã được nhà nước cấp cho bao nhiêu phương tiện để làm nhiệm vụ của mình, nhưng rồi họ lại “biến” nhiệm vụ đó thành không biết bao nhiêu đề tài nghiên cứu, vì chúng ta quản lý không minh bạch nên khó mà biết được số lượng thế nào. Chẳng hạn việc nghiên cứu, giảng dạy và viết sách giáo khoa là việc hết sức quan trọng cho giáo dục. Việc đó cần được Bộ GD-ĐT khuyến khích và có kinh phí khuyến khích. Về phương diện khoa học, không thể coi sách giáo khoa là một công trình khoa học được. Trừ khi trong sách giáo khoa đó có nhiều điểm mới về khoa học thực sự có thể coi là công trình khoa học” - GS Hoàng Tụy nhận xét. Theo các chuyên gia, vấn đề GS Hoàng Tụy nêu ra cũng chính là thực trạng chung của hầu hết các đề tài khoa học cấp bộ, ngành ở Việt Nam hiện nay.

Đề tài, công trình khoa học: Phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống ảnh 1

Khách hàng tham quan tìm hiểu phần mềm “Em tập tô màu” của Công ty TNHH Công nghệ tin học nhà trường. Ảnh: MAI HẢI

Như vậy, ngoài những công trình mang tính cơ bản và hàn lâm thì những đề tài, công trình khoa học phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, chứ không chỉ xuất phát từ bàn giấy và kết thúc cũng trên bàn giấy. Bộ KH-CN thừa nhận rằng, hiện nay, các đề tài, dự án thuộc các chương trình còn phân tán, thiếu đồng bộ; một số nhiệm vụ được coi là “đặt hàng” nhưng lại chỉ giới hạn ở phạm vi các nhà khoa học có khả năng giải quyết được chứ không hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu thực tế.

Hình thành nhóm sản phẩm trọng điểm

Cách đây 4 - 5 năm, chương trình phát triển các sản phẩm KH-CN trọng điểm quốc gia đã được nói đến khá nhiều. Chương trình này do Bộ KH-CN chủ trì với sự tham gia của các bộ: Công thương, Xây dựng và Tài chính. Dự kiến lúc đầu sẽ có 25 sản phẩm trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên ngay từ thời điểm đó, nhiều nhà khoa học cho rằng, không nên đưa ra nhiều chương trình trọng điểm quá mà không làm được, nên chọn một vài chương trình trọng tâm để dồn tâm, dồn sức, dồn kinh phí, tạo ra sản phẩm vượt bậc có hàm lượng công nghệ cao, mang tính cạnh tranh với khu vực và quốc tế.

Từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã thành công với một số chương trình sản phẩm trọng điểm quốc gia nói trên. Đó là làm chủ công nghệ chế tạo và đóng mới loại giàn khoan tự nâng 90m nước; chế tạo thành công máy biến áp điện lực 3 pha với chất lượng tương đương châu Âu; chế tạo ra loại chip điện tử, tiến tới đầu tư xây dựng nhà máy chip điện tử đầu tiên ở Việt Nam; chế tạo thành công cẩu trục chân đế siêu trọng phục vụ các công trình thủy điện Sơn La và Lai Châu...

Theo nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Văn Phong, thành tựu KH-CN của nước ta những năm qua không hề nhỏ. Hầu như không nước nào có thu nhập bình quân đầu người ở mức 1.000 - 1.500 USD/người/năm có được những kết quả nghiên cứu và thành tựu KH-CN như Việt Nam hiện nay. Nhiều tổ chức nước ngoài đã đánh giá, riêng đối với ngành nông nghiệp, KH-CN đóng góp 35% vào thành tựu của ngành này. Việt Nam hiện là chuyên gia nông nghiệp hàng đầu đối với châu Phi và Nam Mỹ.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ KH-CN cũng như giới khoa học Việt Nam đều thừa nhận, những năm qua việc triển khai một số chương trình, dự án, đề án lớn về khoa học và công nghệ còn chậm; các phòng thí nghiệm được đầu tư kinh phí lớn song chưa được khai thác hết công suất. Chính vì vậy, về vấn đề chọn và đánh giá sản phẩm, cần chuyển căn cứ từ định mức đầu vào sang hiệu quả đầu ra và trách nhiệm người làm đề tài. Lấy đó làm cơ sở cho việc phát triển các sản phẩm trọng điểm quốc gia.

Tháng 4-2012, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Danh mục các sản phẩm KH-CN quốc gia thực hiện từ năm 2012 đến năm 2020 bao gồm 6 danh mục sản phẩm chính thức và 3 danh mục sản phẩm dự bị. Tất cả có 17 sản phẩm cụ thể và Bộ KH-CN được giao chủ trì thực hiện. Đây được xem là bước đệm cho việc hình thành nhóm các sản phẩm trọng điểm, có tính đột phát trong việc ứng dụng KH-CN đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục