Đề tài lịch sử trong sáng tác văn học nghệ thuật

Lịch sử là tấm gương phản chiếu hùng hồn chân dung dân tộc. Lịch sử Việt Nam có bề dày sâu thẳm, dung chứa vô vàn những sự tích lớn lao, rất đỗi tự hào và đầy kỳ thú. Khi được làm sống lại, lịch sử sẽ trở thành nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao bồi đắp cho cuộc sống đương đại. Do vậy, một cách khách quan và đương nhiên, văn học nghệ thuật có trách nhiệm đề cập, thể hiện các nhân vật cùng sự kiện lịch sử dân tộc, như một nghĩa vụ linh thiêng.

Thời gian qua, các tác phẩm đề tài lịch sử trong các lĩnh vực điện ảnh, truyền hình, sân khấu có phần được quan tâm, song chưa bao giờ có thể bứt phá phát triển để đáp ứng nhu cầu to lớn và cấp thiết như xã hội hằng mong đợi.

Tác phẩm đề tài lịch sử bao hàm một số thể loại thông dụng là lịch sử chính luận, lịch sử cổ trang và lịch sử dã sử (hoặc huyền thoại). Trong đó, lịch sử chính luận thường gắn trực tiếp với chính trị, tư tưởng.

Lịch sử cổ trang thường được đặt trên trục xung đột dạng sóng, liên tục căng chùng theo cao trào. Trong lúc đó, lịch sử dã sử thường bay bổng cùng trí tưởng tượng phong phú của tác giả, tạo ra những chân trời hư cấu đầy sắc thái lãng du… Khai thác triệt để kho tàng lịch sử từ cổ đại tới cận đại của dân tộc; vừa để thông tin, quảng bá lịch sử, vừa giáo dục các thế hệ đương đại, vừa phục vụ giải trí; đồng thời thực hiện kinh doanh đạt hiệu quả cao.

Trong điều kiện hiện nay ở nước ta, sáng tác đề tài lịch sử có nghĩa là tác giả phải đương đầu với hàng loạt khó khăn thường gặp: sưu tầm, khảo sát và xử lý vất vả khối tư liệu vốn thiếu thốn lẫn các di sản lịch sử đã bị hư hại nhiều.

Bên cạnh đó, sáng tác đề tài lịch sử luôn không dễ dàng trong việc xử lý chuẩn xác, hợp lý mối quan hệ không thật sự rõ ràng giữa tính xác thực lịch sử với mức độ sáng tạo của nghệ sĩ - tức là giữa sự thật lịch sử với sự chân thật lịch sử qua hư cấu. Nhiều nghệ sĩ, chuyên gia và thực tiễn sáng tác đã chỉ ra rằng sáng tạo, hư cấu nghệ thuật là thủ pháp, là thao tác không thể thiếu trong quá trình này.

Gorky từng viết: “Không có hư cấu sẽ không có nghệ thuật”. Giá trị của lịch sử sẽ được nâng lên khi nhân vật cùng sự kiện lịch sử được tái hiện thuyết phục trên tác phẩm văn nghệ, đồng thời hình thành được mối quan hệ huyết thống giữa quá khứ với đương đại; sao cho lịch sử soi rọi được đương đại và đương đại học hỏi được lịch sử. Quá trình sáng tác đề tài lịch sử là quá trình khám phá, lý giải lịch sử; chứ tuyệt nhiên không phải minh họa lịch sử. Giải đáp được vấn đề này có nghĩa là đã tìm thấy ranh giới mong manh rất cần thiết giữa “cái bắt buộc” với “cái tự do” trong sáng tác đề tài lịch sử.

Để có thể sáng tác - chế tác tác phẩm đề tài lịch sử một cách đều đặn, nền nếp và đạt chất lượng mong muốn, đòi hỏi nghệ sĩ phải say mê nghiền ngẫm, am tường lịch sử, tự trang bị cả kiến thức lẫn cảm xúc; không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng xử lý loại đề tài đặc thù này. Để khắc phục khó khăn trước mắt, có thể tiến từng bước, từ quy mô phù hợp tới quy mô lớn; từ khai thác từng khía cạnh tiến tới phản ánh toàn bộ lịch sử.

Mặt khác, ở phương diện thẩm định chất lượng và định hướng sáng tác, cơ quan quản lý cần thay đổi tư duy phù hợp với đặc trưng của thể tài lịch sử, không đánh đồng tác phẩm xây dựng hình tượng nghệ thuật về lịch sử với công trình nghiên cứu lịch sử.

Về mặt tổ chức thực hiện, cần động viên tối đa các lực lượng tư nhân thông qua chính sách, chế độ khuyến khích phù hợp, nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ sáng tác đề tài lịch sử, nhằm thu hút các nguồn đầu tư rộng rãi; nhà nước cần đặc biệt quan tâm, một mặt xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, mặt khác tiếp tục đầu tư kinh phí hợp lý, giúp đẩy mạnh một cách ổn định và vững chắc sự nghiệp sáng tác và chế tác các tác phẩm đề tài lịch sử, đặc biệt trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình và sân khấu - những lĩnh vực có tác động hết sức mạnh mẽ và rộng lớn đối với xã hội.  

PGS-TS TRẦN LUÂN KIM

Tin cùng chuyên mục