Để tiếng Việt tỏa sáng

Hội nghị bàn về “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” được tổ chức lần đầu tiên năm 1966, lần tiếp theo là năm 1979 và lần này, hội thảo khoa học quốc gia “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” tổ chức ngày 5-11, tại Hà Nội, có thể coi là hội nghị lần thứ 3 ở cấp toàn quốc bàn về vấn đề này sau rất nhiều năm. Rất nhiều vấn đề trong việc sử dụng, gìn giữ tiếng Việt đã được đưa ra bàn thảo.

Thực tế, trong những năm gần đây, có khá nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến ngôn ngữ báo chí, được dư luận quan tâm và lo lắng. Đó là việc dùng từ ngữ, câu văn tùy tiện, cẩu thả, rút tít thiếu cân nhắc, sai thực tế, sử dụng tiếng nước ngoài khá tùy tiện... tác động tiêu cực, nhanh chóng đến đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ. Vì vậy, hội thảo chính là tiếng chuông cảnh tỉnh, không chỉ báo chí, những người làm việc trực tiếp với ngôn ngữ, mà còn nhằm tìm ra các giải pháp để góp phần định hướng cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc qua ngôn ngữ, nhất là trong bối cảnh và trách nhiệm truyền thông hiện đại.

Chia sẻ đầy tâm huyết về chủ đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Việt Nam tự hào về lịch sử dựng nước, giữ nước mấy ngàn năm; về nền văn hiến rực rỡ của dân tộc.

Trong nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, tiếng Việt là một thành tố quan trọng. Tiếng Việt rất giàu, rất đẹp. Những tác phẩm văn học, thơ ca lớn, những tuyên bố, báo cáo trong lĩnh vực khoa học, văn bản có tính pháp lý của Nhà nước thể hiện trình độ phát triển cao của tiếng Việt. Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt”. Bác Hồ cũng đã dạy tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc mà chúng ta phải giữ gìn.

Phó Thủ tướng nhận định, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm của mỗi người, đặc biệt là các nhà báo, nhà giáo, nhà văn. Có một thực tế hiện nay là ngoài xã hội, trên các diễn đàn, trong một số tài liệu, báo cáo, trên các ấn phẩm thông tin đại chúng, kể cả trong sách giáo khoa có nhiều biểu hiện thiếu chuẩn mực trong sử dụng tiếng Việt, quá dễ dãi trong phát triển, làm mới tiếng Việt. Hiện tượng lạm dụng, sử dụng ngôn từ, từ tiếng nước ngoài đang ngày càng nhiều. Đáng báo động là không có nhiều, không có đủ sự phân tích, nhắc nhở, phê phán những biểu hiện đó. Giữ gìn tiếng Việt, sự trong sáng của tiếng Việt đi đôi với việc phát triển, làm mới tiếng Việt. Bên cạnh việc gìn giữ, phát triển tiếng Việt thì việc tiếp thu thành tựu của văn minh nhân loại hay việc mượn tiếng nước ngoài một cách có chọn lọc, loại bỏ “tạp chất” để làm cho tiếng Việt giàu có hơn, đầy đủ hơn là yêu cầu khách quan không nên chối bỏ.

Mỗi người đều thấm thía rằng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ẩn sâu trong đó là niềm tự hào, tự tôn dân tộc; thể hiện nhận thức sâu sắc của các nhà lãnh đạo và nhân dân về vai trò của văn hóa - cội nguồn sức mạnh của dân tộc trong lịch sử mấy ngàn năm đấu tranh gian khổ dựng nước, giữ nước. Tương lai của Tổ quốc, của dân tộc không chỉ là tiềm lực kinh tế mà sâu xa là từ văn hóa, từ con người. Không chỉ vậy, sẽ không là quá khi nhiều ý kiến nhận định rằng tiếng mẹ đẻ chính là “căn cước” văn hóa của mỗi người, mỗi dân tộc khi bước ra thế giới.

Cùng với một số ngành nghề đặc thù khác như giáo viên, nhà văn, người nghiên cứu khoa học thì báo chí chính là một lĩnh vực tác động mạnh mẽ tới xã hội và việc sử dụng ngôn ngữ. Vì thế, các nhà báo hơn ai hết cần tự mình rèn luyện, trau dồi kiến thức, tìm tòi, tích lũy vốn từ vựng trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Đồng thời học hỏi cách diễn đạt nhuần nhị mà sâu sắc trong vốn văn hóa dân gian, trong đời sống, trong hoạt động báo chí để khi mỗi tác phẩm báo chí ra với công chúng là kết tinh của quá trình lao động miệt mài, của tinh thần trách nhiệm với xã hội trong từng câu chữ. Không dừng ở đó, báo chí cũng cần chủ động, tích cực phê phán hành vi sử dụng tiếng Việt không đúng, lệch lạc, yếu kém, làm hỏng tiếng Việt.

Nhiều ý kiến cho rằng cần phải có những quyết định hành chính, thậm chí cần phải xây dựng luật về ngôn ngữ, cùng đó là tổ chức khen, phạt rõ ràng với những trường hợp làm lệch lạc, phá hỏng ý nghĩa trong sáng của tiếng Việt… Song như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận định: “Đây là một công việc lâu dài, phải kiên trì, phải nhìn xa, thấy rộng, phải làm từng bước với tất cả ý thức trách nhiệm của mỗi người chúng ta, với lòng tự hào về tiếng nói của dân tộc, với lòng phấn khởi và tin tưởng đang góp phần của mình vào một công việc vừa quan trọng vừa tốt đẹp vô cùng”. Chỉ khi mỗi người tự cảm nhận được điều ấy thì tiếng Việt mới thực sự tỏa sáng.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục