Để trả vỉa hè cho người đi bộ: Phải gỡ nút thắt về giá giữ xe

Gian nan đầu tư bãi giữ xe
Để trả vỉa hè cho người đi bộ: Phải gỡ nút thắt về giá giữ xe

Vỉa hè ở TPHCM bị lấn chiếm chủ yếu để làm nơi giữ xe và buôn bán. Việc lấn chiếm để làm nơi giữ xe thường được giải thích do "TPHCM không có nơi giữ xe”. Điều này có nghĩa, nếu xây dựng, sắp xếp được nơi giữ xe thì việc trả vỉa hè cho người đi bộ, góp phần giữ gìn trật tự an toàn giao thông cho thành phố hoàn toàn khả thi.

Bãi giữ xe cao tầng như thế này rất ít tại TPHCM. Ảnh: CAO MINH

Gian nan đầu tư bãi giữ xe

Hai từ “gian nan” đã được không ít bài báo đề cập đến việc đầu tư xây dựng bãi giữ xe ở TPHCM từ nhiều năm nay. Trong đó, thủ tục đầu tư xây dựng rất nhiêu khê, phức tạp… là một trong những nguyên nhân chính làm chậm quá trình đầu tư này. Nhưng đó mới chỉ là một phần của vấn đề. Theo Pháp lệnh số 38 về phí, lệ phí được ban hành ngày 28-8-2001, giá giữ xe được xác định là phí giữ xe. Đã là phí thì mức phí sẽ do cơ quan Nhà nước ban hành. Luật về Phí và Lệ phí được ban hành ngày 25-11-2015 có hiệu lực vào ngày 1-1-2017 sắp tới, kế thừa và điều chỉnh một số quy định của Pháp lệnh số 38 đã “chuyển” chi phí giữ xe từ “nhóm” phí sang “nhóm” giá. Nhiều nhà đầu tư xây dựng bãi giữ xe đã mừng với quyết định này, song “giá dịch vụ giữ xe” theo quy định tại Luật về Phí và Lệ phí lại do Nhà nước… định giá. Trao đổi với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng, một nhà đầu tư xin được phép giấu tên than thở: “Nhà đầu tư không được định được giá bán dịch vụ của mình, ai dám… đầu tư?”.

Hơn 10 năm trước đây, TPHCM đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư xây dựng bãi giữ xe trên địa bàn thành phố. Sự ưu đãi này, ngay lập tức đã thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia (đăng ký) đầu tư gần 10 bãi giữ xe. Đó là các dự án xây dựng bãi giữ xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám, Công viên Tao Đàn, Sân khấu Trống Đồng, sân vận động Hoa Lư… Thế nhưng, cho đến nay, chỉ có hai bãi giữ xe được hình thành mà một trong số đó là của Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (Samco). Với lợi thế đất đai sẵn có, việc xác định giá giữ xe cho Samco bớt được rất nhiều thủ tục liên quan đến các chi phí của nhà đầu tư. Chi phí này góp phần quan trọng vào việc định ra phí giữ xe mà từ ngày 1-1-2017 tới đây sẽ được gọi là giá dịch vụ giữ xe.

Để giải quyết nhu cầu gửi xe của người dân, TPHCM đã tổ chức các điểm giữ xe do lực lượng Thanh niên xung phong đảm trách. Tuy nhiên, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết, hiện thành phố có khoảng 7,45 triệu xe cá nhân, tăng gấp 1,5 lần so với 3 năm trước. Cộng thêm số phương tiện từ các tỉnh, thành đổ về, trung bình mỗi ngày thành phố có khoảng 10 triệu phương tiện lưu thông. Mỗi ngày, Công an TPHCM còn nhận đăng ký mới 150 ô tô, 900 xe máy. Với số lượng phương tiện giao thông khổng lồ ấy, các điểm giữ xe của lực lượng Thanh niên xung phong không đảm trách hết. Chưa kể, nhiều bãi giữ xe của lực lượng này thực chất được hình thành từ việc “dùng tạm” một phần công viên, vỉa hè, đất trống công cộng… Trong nhiều trường hợp, cách làm ấy không đạt được mục đích giữ cho vỉa hè, công viên được thông thoáng.

“Cởi trói” giá giữ xe, đạt nhiều mục đích

Có lẽ khi đặt ra yêu cầu, giá dịch vụ giữ xe phải do Nhà nước quy định, các nhà làm luật muốn đảm bảo cho người dân không bị các đối tượng giữ xe (không lương thiện) chèn ép, bắt trả giá cao. Trân trọng ý tốt này, song trên thực tế, mỗi khi vào các dịp lễ, tết, không chỉ tại TPHCM mà ngay cả Hà Nội và nhiều thành phố lớn khác trên cả nước, không ít người dân gửi xe vẫn bị người giữ xe chèn ép, bắt trả giá cao. Người dân không có nhiều sự lựa chọn (vì ít có bãi giữ xe) vẫn phải gửi xe ở những nơi có giá giữ xe cao ngất ngưởng. Một chuyên gia về quản lý đô thị, không muốn nêu tên, nhận xét, trong những tình huống như vậy, mục tiêu kiểm soát giá dịch vụ giữ xe của Nhà nước nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi xe đã không thực hiện được. Nếu có nhiều điểm giữ xe, người dân có nhiều lựa chọn thì người giữ xe sẽ không có cơ hội chèn ép người gửi xe. Muốn có thêm điểm giữ xe, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, Nhà nước phải kêu gọi xã hội hóa. “Nhà nước không cần phải lo, cho nhà đầu tư chủ động định giá giữ xe, sẽ đẩy giá giữ xe lên cao bởi một khi môi trường đầu tư đã thông thoáng, với hàng triệu phương tiện giao thông, hoạt động kinh doanh bãi đậu xe ở TPHCM sẽ rất hấp dẫn các nhà đầu tư. Nguồn cung nhiều, chắc chắn giá dịch vụ sẽ khó bị đẩy lên cao”, vị chuyên gia này phân tích.

Cũng liên quan đến việc đầu tư xây dựng bãi giữ xe, TPHCM đã ban hành 2 Quyết định: 135/2007 và 45/2009 quy định về xây dựng nhà liên kế trong khu dân cư hiện hữu. Theo đó, tại những khu dân cư tập trung, khi xây nhà, người dân có thể được xây thêm một tầng để có điều kiện dành tầng trệt làm nơi giữ xe. Một khi các quy định về giá giữ xe được tháo gỡ, cùng với quy định này, nhiều chuyên gia về đô thị cho rằng sẽ có nhiều nhà đầu tư hợp tác với người dân khai thác tầng trệt làm nơi kinh doanh dịch vụ giữ xe. Có “đầu ra” cho việc giữ xe, TPHCM sẽ có điều kiện “giải phóng” vỉa hè khỏi các phương tiện giao thông.

Vỉa hè thông thoáng, không những trật tự an toàn giao thông được vãn hồi mà trật tự văn minh đô thị cũng được chấn chỉnh. Đặc biệt, hệ thống xe buýt của TPHCM cũng sẽ được lợi bởi người dân đi bộ an toàn, tiện lợi sẽ dễ dàng tiếp cận hệ thống xe công cộng. Hiện nay, một trong những bất cập lớn tại TPHCM là phải dành một phần lòng đường làm nơi lưu đậu cho ô tô. Có bãi đậu xe, TPHCM sẽ không phải tốn một phần đường cho việc đậu ô tô. Thêm diện tích đường đưa vào phục vụ giao thông, chắc chắn sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Cho nên nói tháo gỡ được nút thắt về giá dịch vụ giữ xe TPHCM sẽ đạt được nhiều mục đích là như vậy!

Từ trước đến nay, trong quan niệm của nhiều người, những người phải mưu sinh trên vỉa hè chủ yếu là người nghèo. Chính vì vậy, việc giữ cho vỉa hè không bị lấn chiếm đôi lúc là quyết định khó khăn đối với các cơ quan chức năng.

Thế nhưng, thực tế mà PV Báo Sài Gòn Giải Phóng ghi nhận lại không hẳn như vậy. Hầu hết người lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, kinh doanh là những người có điều kiện về kinh tế. Tại đường Pasteur, đoạn đi qua địa bàn quận 1, chúng tôi chỉ thấy có 2 người bán hàng rong tranh thủ đặt gánh tại phần vỉa hè bên hông Sở Giao thông Vận tải TPHCM. Phần lớn các diện tích vỉa hè còn lại bị các cửa hàng nằm dọc theo tuyến đường tận dụng làm nơi giữ xe hoặc bày hàng lấn ra. Tuy nhiên, Nhà nước cũng nên hỗ trợ người nghèo kinh doanh nơi lòng đường, vỉa hè bằng cách sắp xếp cho họ một nơi kinh doanh miễn phí, ổn định. Nơi kinh doanh này đảm bảo trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị song cũng phải thuận tiện, thu hút được sự chú ý của khách hàng.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục