Trong khi các chuyên gia trong và ngoài nước đều coi tỷ lệ tăng trưởng 6,7% năm nay là khó khả thi, thì đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) - xét trên cả vốn đăng ký lẫn vốn thực hiện - tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế. Cũng không phải không có cơ sở để coi đây là một trong những yếu tố quan trọng “cứu” tăng trưởng.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm 2016 đến thời điểm 20-7-2016, cả nước đã thu hút được gần 13 tỷ USD cả vốn đăng ký mới và vốn bổ sung, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong số những nhà đầu tư đã đăng ký và đang xếp hàng gần, có những tên tuổi lớn. Nguồn tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, nhiều khả năng, LG Innotek (công ty con của Tập đoàn LG, Hàn Quốc) sẽ sớm được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án sản xuất camera tại Hải Phòng với số vốn đầu tư 200 triệu USD. Cần nói thêm rằng đây là dự án đầu tư thứ ba của Tập đoàn LG tại Việt Nam, sau Dự án Khu tổ hợp sản xuất thiết bị điện tử gia dụng 1 tỷ USD và Dự án LG Display, vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong tháng 6…
Không nghi ngờ gì nữa, khu vực FDI đóng góp một phần đáng kể và ngày càng quan trọng trong toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, nếu như dưới “thảm đỏ” không được phép có “đinh”, thì bên cạnh tấm thảm đó lại rất cần có hàng rào vững chắc để ngăn chặn những khoản đầu tư thuộc loại “lợi bất cập hại”, đặc biệt là với việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể có hiệu lực vào năm 2018. Tại một cuộc hội thảo gần đây về tác động của TPP đến môi sinh và sức khỏe cộng đồng, nhiều nhà nghiên cứu quốc tế đã lưu ý Việt Nam về việc xử lý những kẽ hở trong 7 chương của hiệp định này, tránh làm khó cho việc kiểm soát thuốc lá, rượu bia.
Bên cạnh đó, từ góc độ thực thi pháp luật về môi trường, TS Trần Tuấn (Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) thẳng thắn bình luận: “Vấn đề là chúng ta có thực sự cần thiết phải nhường nhịn, thậm chí hy sinh lợi ích (về môi sinh - PV) không và nhà đầu tư có đáng được hưởng sự hy sinh đó không”. Một ví dụ nhãn tiền và hết sức đáng buồn chính là thảm họa môi trường biển miền Trung vừa qua mà tác giả là Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS). “Cần phải nhìn vào tính nhân bản/phi nhân bản trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư để quyết định sự nhường nhịn của chúng ta khi “trải thảm đỏ”. Bởi vì “trải thảm” đồng nghĩa với việc chúng ta phải hy sinh một phần lợi ích lẽ ra phải có của các bên còn lại trong nước”, TS Trần Tuấn khuyến cáo.
Và trên thực tế, với một nước đang phát triển như Việt Nam thì cạnh tranh bằng sức mua có giới hạn, còn “môi trường nhân lực khoa học công nghệ cao” gần như không được đặt ra; thì yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài thường là sự “nhường nhịn” của Chính phủ trong chính sách thuế, hoặc một phần lợi ích cộng đồng, trong đó nổi lên vấn đề môi sinh. Theo TS Trần Tuấn, dựa vào loại hình đầu tư, từ góc nhìn sức khỏe cộng đồng và an toàn môi sinh, có thể phân loại thành hai dạng doanh nghiệp cơ bản: doanh nghiệp nhân bản (tôn trọng đạo đức và văn hóa truyền thống, tôn trọng quyền con người và sức khỏe của môi trường sinh thái, suốt trong cả quá trình đầu tư và thương mại sản phẩm) và doanh nghiệp phi nhân bản (tìm kiếm lợi nhuận trên cơ sở làm tha hóa nhân tính xã hội, tàn phá sức khỏe người sử dụng sản phẩm, hoặc làm tổn hại sâu sắc môi sinh). “Thảm đỏ với doanh nghiệp nhân bản và đàng hoàng, chăng dây thép gai với loại doanh nghiệp phi nhân bản”, TS Trần Tuấn nhấn mạnh một cách ngắn gọn.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP bên lề kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội TPHCM, đã thẳng thắn cho rằng, để “lọt lưới” những dự án phá hoại môi trường như FHS là một khuyết điểm trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. “Pháp luật về đầu tư và môi trường của Việt Nam cần phải được sửa đổi, bổ sung. Việc đánh giá tác động môi trường ban đầu chỉ để xin chủ trương phát triển dự án; sau khi có chủ trương đầu tư thì phải xây dựng luận chứng kinh tế khả thi và thiết kế cơ sở, bao gồm chi tiết các hạng mục xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Từ đó mới phê duyệt chính thức để dự án vận hành. Và như thế cũng chưa đủ, sau khi phê duyệt chính thức rồi còn phải giám sát xem nhà đầu tư có thực hiện và vận hành đúng thiết kế hay không; nghĩa là phải giám sát thường xuyên, liên tục. Phải thổi còi, thậm chí bắt dừng lại, thu hồi những dự án có sai phạm nghiêm trọng”, Luật sư Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
ANH THƯ