Mới đây, vụ bảo mẫu tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh, quận 12, TPHCM, bạo hành trẻ em đã gây phẫn uất trong dư luận xã hội. Thực trạng trên cho thấy trẻ em đang sống thiếu an toàn và chưa được bảo vệ tốt.
Trẻ em thường xuyên đối mặt với nhiều nguy cơ bị xâm hại và bạo lực trong bất cứ môi trường nào, kể cả gia đình và nhà trường, những nơi được cho là an toàn, hạnh phúc. Số liệu thống kê của các cơ quan chức năng gần đây cho thấy, thực trạng bạo hành trẻ em có chiều hướng gia tăng, mức độ ngày càng nghiêm trọng, độ tuổi trẻ bị bạo hành ngày càng nhỏ, thủ phạm đủ mọi thành phần, mà nhiều nhất lại chính là người có mối quan hệ với trẻ như người thân, người chăm sóc trẻ, giáo viên, bảo mẫu. Cần lưu ý rằng các số liệu báo cáo chỉ là phần nổi của tảng băng, sự quan tâm của xã hội và các cơ quan chức năng dường như chỉ nhận thấy mỗi khi các vụ việc được phát hiện, đăng tải từ các cơ quan truyền thông .
Không phủ nhận thời gian qua, từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều nỗ lực và đạt được những thành tựu trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em; được thể hiện từ xây dựng hoàn thiện khung chính sách pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường năng lực đội ngũ nhân sự và đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ chăm sóc trẻ em… Tuy nhiên, mặt tồn tại và thách thức vẫn còn khá nhiều: Khung chính sách pháp luật chưa hoàn thiện, còn nhiều lỗ hổng; truyền thông chưa hiệu quả. Việc thực thi pháp luật chưa quyết liệt và nghiêm minh đã gây mất lòng tin người dân.
Hệ thống dịch vụ chăm sóc trẻ chất lượng chuyên môn hạn chế, chưa đồng bộ, phản ứng chậm và thiếu sự điều phối hiệu quả. Trong khi đó, còn mảng trống về đội ngũ nhân viên xã hội chuyên nghiệp có vai trò và thẩm quyền rõ ràng; thiếu hệ thống thông tin, dữ liệu về trẻ em có độ tin cậy và cập nhật; công tác theo dõi, giám sát thanh tra hiệu lực hạn chế… thực tế đòi hỏi cần sớm xây dựng đội ngũ chuyên môn, nhân viên xã hội chuyên nghiệp làm việc với gia đình và trẻ em, nhân viên xã hội trong trường học và bệnh viện. Hiện đội ngũ này ở các cấp rất thiếu và yếu, cán bộ trẻ em đa số là bán chuyên trách và kiêm nhiệm, chủ yếu dựa vào mạng lưới cộng tác viên cộng đồng.
Một vấn đề nữa là công tác bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bạo lực, xâm hại chưa được chú trọng trong ngành giáo dục. Điển hình là đề án phát triển nghề công tác xã hội đến nay chỉ dừng lại ở tuyên truyền tập huấn; mô hình tư vấn học đường từ làm thí điểm đến đại trà nhưng chưa có đánh giá chất lượng và hiệu quả; sự gắn kết giữa nhà trường với hệ thống bảo vệ trẻ em bên ngoài hầu như khá lỏng lẻo; chương trình giáo dục kỹ năng sống thì tùy thuộc vào sự quan tâm của ban giám hiệu nhà trường. Công tác tuyển dụng, đào tạo, bố trí và giám sát chuyên môn đội ngũ giáo viên và nhân viên làm việc với trẻ em cần được rà soát, bổ sung cải thiện. Để khắc phục, cần sớm có các hiệp hội chuyên môn như hội những người làm công tác xã hội, tham vấn với vai trò thẩm định, cấp chứng chỉ hành nghề, bồi dưỡng, giám sát chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và can thiệp hỗ trợ phù hợp.
Lãnh đạo các tỉnh, thành cần thể hiện sự quan tâm, cam kết bằng những hành động cụ thể. Cần thiết, kiến nghị HĐND ra nghị quyết, UBND có quyết định chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ trẻ em một cách hệ thống; có kế hoạch với nguồn lực phân bổ cụ thể, có cơ chế, kế hoạch bố trí nhân sự chuyên nghiệp ở các cấp, nhất là tại cơ sở. Lãnh đạo và các cơ quan ban ngành cần ý thức rằng công tác bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính quyền chứ không phải trách nhiệm của một số sở, ngành và đoàn thể. Cần chú trọng phát huy sự tham gia của cộng đồng, cha mẹ và các tổ chức xã hội bằng mối quan hệ đối tác đa ngành và đa thành phần. Vai trò các tổ chức xã hội, giới chuyên môn và doanh nghiệp trong lĩnh vực này hiện vẫn khá mờ nhạt dù tiềm năng rất dồi dào và phong phú. Điều này cần được phát huy trong công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em.
Với trách nhiệm của mình, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cam kết đồng hành và hỗ trợ thành phố triển khai dự án “Sáng kiến TPHCM thân thiện với trẻ em” giai đoạn 2017-2021, trong đó giúp kiện toàn cơ cấu bộ máy, năng lực đội ngũ nhân sự và hiệu quả vận hành hệ thống bảo vệ trẻ em các cấp của TPHCM.