Sau các vòng tuyển chọn cấp trường và cấp quận, huyện, 144 học sinh các khối 6 - 7 và khối 8 - 9, các trường THCS tại TPHCM đã bước vào vòng thi chung kết và sáng 18-10 tại Trường THCS Minh Đức (quận 1) đã diễn ra lễ trao giải cuộc thi Prudential - Văn hay chữ tốt cấp thành phố. Đây là cuộc thi do Báo Sài Gòn Giải Phóng và Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM phối hợp tổ chức từ năm 2000 đến nay với sự tài trợ của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam.
16 năm - một chặng đường dài tồn tại của một “sân chơi” văn học dành cho học sinh bậc THCS, không đơn giản chút nào. Bởi, thực tế nhiều năm qua còn rất nhiều học sinh trong các trường trung học không hứng thú mấy đến việc học văn, dẫn đến kết quả học tập môn này không như ý muốn. Nhiều học sinh tốt nghiệp THPT đã rất ngán ngại trong việc thi vào đại học các khối có môn văn là môn thi bắt buộc. Nguyên nhân của tình trạng này là do đâu? Đã có nhiều ý kiến nêu ra. Ví như, chương trình học quá cũ, kiến thức nặng và không phù hợp; cả người học và người dạy đã tự hạ thấp tầm quan trọng của môn văn; phụ huynh học sinh định hướng quá nhiều sự học con em mình về các môn tự nhiên... Và, một khi người học không thiết tha thì thật khó để người dạy hết mình.
Ở nhà trường, các em học sinh từng được dạy rằng: “Văn học là nhân học”, là sự tìm hiểu và yêu thương cuộc sống này, từ đó mỗi người sẽ thấy thật dễ dàng khi học văn. Văn học cung cấp bấy nhiêu mảnh đời, bấy nhiêu số phận không đơn giản chỉ để mỗi độc giả nhận ra mình qua từng mảnh đời, số phận đó. Văn học là nhân học và vì thế văn học không chỉ thực hiện chức năng nhận thức, còn phải làm tốt cả chức năng giáo dục. Học văn là học cách làm người. Và học cách làm người tức là học về cái tốt, cái đẹp và cái thật. Cũng có lúc trong văn học xuất hiện những nhân vật cơ hội như Xuân tóc đỏ (Số đỏ - Vũ Trọng Phụng); lưu manh hóa như Chí Phèo, đểu giả nham hiểm như Bá Kiến (Chí Phèo - Nam Cao) và thậm chí dâm ô, trụy lạc như Nghị Hách (Giông tố - Vũ Trọng Phụng)… Nhưng điều tác phẩm văn học muốn đề cập đến qua những nhân vật ấy là con người phải biết loại bỏ, căm ghét và chống lại cái xấu; đừng để cái xấu, cái ác như thế tồn tại trong cuộc đời. Điều đó cũng có nghĩa, văn học giúp người đọc hướng thiện và đi tới tự hoàn thiện mình.
Hướng đến những vấn đề cốt lõi trên, cuộc thi Prudential - Văn hay chữ tốt đã đạt được những kết quả thật bất ngờ. Cuộc thi lần đầu (năm 2000) được tổ chức trên tinh thần “thăm dò” sự hưởng ứng của các trường THCS và học sinh ở TPHCM, với kết quả phấn khởi: Có gần 20.000 học sinh của trên 200 trường THCS tham gia cuộc thi. Và cũng thật bất ngờ, Tạp chí Nghề báo (của Hội Nhà báo TPHCM) số xuân năm Tân Tỵ 2001 đã bình chọn cuộc thi này là một trong những sự kiện báo chí năm 2000.
Tưởng chừng với số lượng thí sinh tham gia cuộc thi như thế là đã thành công, thế nhưng qua 2 lần thi sau, con số thí sinh tham gia cuộc thi tăng lên bất ngờ: lần 2 (năm 2001) có 40.000 thí sinh, lần 3 (năm 2002) có đến trên 60.000 thí sinh ở 100% trường THCS ở TPHCM tham gia. Đến cuộc thi lần thứ 16 năm nay, có khoảng 150.000 học sinh THCS ở TPHCM tham gia qua các vòng thi cấp trường và cấp quận, huyện. Đặc biệt, đối tượng học sinh từ các trường dân lập và trường quốc tế dự thi ngày càng nhiều. Con số này cho thấy cuộc thi ngày càng được đông đảo học sinh hưởng ứng và đã gây được tiếng vang trong xã hội.
Đề thi của vòng thi cấp quận, huyện, nội dung luôn sát với mục đích vươn tới của cuộc thi là khơi gợi yêu thích môn văn học trong nhà trường phổ thông và phát hiện để bồi dưỡng những học sinh có khả năng cảm thụ tốt văn học; tạo thành sân chơi lớn cho học sinh bậc THCS mỗi năm. Khẳng định giá trị của cuộc thi, từ năm học 2015 - 2016, UBND TPHCM đã cho phép ngành giáo dục - đào tạo TPHCM được tính điểm cộng thêm vào lớp 10 cho các học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba cấp thành phố cuộc thi “Văn hay chữ tốt”.
Sau 16 năm, cuộc thi Prudential - Văn hay chữ tốt đã ngày càng lan rộng và tạo được tiếng vang trong xã hội. Không chỉ dừng lại ở TPHCM, cuộc thi này đã và đang mở rộng tại các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một tín hiệu đáng mừng và cho thấy, văn học vẫn mãi là môn học được yêu thích trong nhà trường, khi giá trị đích thực của văn học chính là nhân học!
KIỀU PHAN