Việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ vẫn đang tiếp tục nóng tại Hà Nội và TPHCM. Làm thế nào để chủ trương này được triển khai một cách triệt để, mang lại hiệu quả lâu dài chứ không phải kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” như đã từng làm, là nội dung cuộc tọa đàm “Giành lại vỉa hè cho người dân” được Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức tại Hà Nội ngày 24-3, với sự tham gia của đại diện Sở GTVT Hà Nội, TPHCM và các cơ quan liên quan.
Sử dụng vỉa hè phải công bằng
Theo đánh giá của ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, hiếm có chủ trương nào nhận được sự đồng thuận lớn của người dân, kể cả những người bị trực tiếp ảnh hưởng quyền lợi như việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, vỉa hè của ai, sử dụng như thế nào cho công bằng vẫn đang là điều mà người dân rất quan tâm, nếu không làm rõ điều này thì chiến dịch giành lại vỉa hè khó có kết quả bền vững.
Lực lượng chức năng kéo cầu thang lấn chiếm vỉa hè trên đường Huỳnh Thúc Kháng, quận 1, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TPHCM) cho biết, theo Quyết định 74/2008 của TPHCM, có 6 trường hợp được phép sử dụng vỉa hè, bao gồm hoạt động tổ chức tiệc cưới, tang lễ; giữ xe công cộng có thu phí; thi công xây dựng để sửa chữa các công trình; buôn bán hàng hóa; hoạt động xã hội; để xe tự quản trước nhà. UBND TPHCM cũng đã ban hành danh sách các tuyến đường nào được sử dụng để kinh doanh buôn bán, được đậu xe, được để xe tự quản trước nhà, kinh doanh buôn bán không thu phí, thu phí khi giữ xe công cộng. Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, Nghị định 36 của Chính phủ quy định rõ 5 nhiệm vụ quyền hạn của các tỉnh, thành phố trong việc đảm bảo trật tự ATGT, trong mục 2 điều 14 quy định việc sử dụng một phần đường để bán hàng hóa nhưng không được ảnh hưởng đến trật tự ATGT; nhưng mục 5 điều 14 lại ghi “nghiêm cấm cho thuê vỉa hè, lòng đường để kinh doanh dưới mọi hình thức”, như vậy cũng còn điều mâu thuẫn trong luật, cần được làm rõ.
Hiện Hà Nội và TPHCM đều đã kẻ vạch vàng phân định một phần diện tích vỉa hè dành cho người đi bộ, phần còn lại cho xe tự quản. Tuy nhiên, theo TS Lương Hoài Nam - chuyên gia độc lập, nếu dành cho các chủ nhà có mặt tiền để xe thì không công bằng: “Với tư cách một công dân đồng sở hữu vỉa hè, tôi không đồng ý để chính quyền tạm giao mà lại không thu phí. Người có nhà mặt phố nếu có nhu cầu để xe trên vỉa hè phải ký hợp đồng với địa phương, trả khoản phí nhất định. Như thế mới giải quyết tận gốc vấn đề lợi ích vỉa hè là của công, không ai được tư lợi”.
Nâng chất lượng phương tiện vận tải công cộng
Theo các chuyên gia, việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ đã khó nhưng để càng ngày càng có nhiều người đi bộ trên vỉa hè lại càng khó hơn, bởi nó gắn liền với câu chuyện giảm phương tiện cá nhân và tăng phương tiện công cộng. Theo TS Lương Hoài Nam, để người dân tại Hà Nội và TPHCM không còn nhu cầu sử dụng xe máy nữa thì phải có đủ xe buýt chất lượng tốt. Tuy nhiên khi phát triển mạng lưới xe buýt lại nảy sinh vấn đề tranh chấp hạ tầng giao thông. Xe buýt và xe máy không thể chung sống hòa bình trên một làn đường, chỉ nên chọn 1 loại phương tiện, muốn xe buýt phát triển phải có làn đường riêng. TS Lương Hoài Nam cũng bày tỏ đồng tình khi Sở GTVT Hà Nội cam kết dự kiến loại bỏ xe máy tại một số quận nội thành trong giai đoạn 2025 - 2030 và mong muốn TPHCM cũng sớm triển khai theo lộ trình này để tạo hiệu ứng đồng thuận.
Trong khi chưa đủ điều kiện phát triển mạnh các phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn như đường sắt đô thị, tàu điện ngầm, trước mắt, Hà Nội và TPHCM sẽ tập trung phát triển hệ thống xe buýt. Ông Vũ Văn Viện cho biết, hiện xe buýt Hà Nội mới đáp ứng khoảng 15% và theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2020, xe buýt phải đáp ứng 20% - 25% nhu cầu đi lại của nhân dân. Không chỉ đáp ứng về số lượng, Hà Nội đang phấn đấu để hành khách hài lòng về chất lượng với xe buýt mới, chất lượng tốt, wifi miễn phí, nhân viên phục vụ tốt hơn, an toàn hơn.
Ông Ngô Hải Đường cũng cho biết, TPHCM đã thay mới trong tổng số hơn 2.700 phương tiện công cộng, đồng thời tập huấn, nâng cao thái độ phục vụ của tiếp viên đối với hành khách. Trong quý 2-2017, TPHCM sẽ đưa ra 2 tuyến đường có làn dành riêng cho xe buýt, năm 2018 sẽ có tuyến buýt nhanh đầu tiên, đến năm 2020 sẽ đưa vào vận hành hệ thống metro. Bên cạnh đó, TPHCM cũng đang có kế hoạch khuyến khích người đi bộ. Cụ thể, dự kiến đến tháng 4, Ban ATGT của TP sẽ trình UBND TPHCM phát động phong trào đi bộ vào trung tâm thành phố.
BÍCH QUYÊN