UBTVQH tổ chức Hội nghị trực tuyến với đoàn ĐBQH 63 tỉnh, thành

Đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm bộ trưởng hàng năm

(SGGP).- Ngày 27-4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Hội nghị trực tuyến với đoàn ĐBQH 63 tỉnh, thành phố về một số nội dung trình QH tại kỳ họp thứ ba, QH khóa XIII.

Hội nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng nội dung các tờ trình, báo cáo về 2 đề án trình QH trong kỳ họp tới: Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đồng tình cao với việc dành toàn bộ thời gian chất vấn tại hội trường cho việc trả lời câu hỏi trực tiếp; bố trí phiên chất vấn cuối kỳ họp để đại biểu có thời gian chuẩn bị câu hỏi; chất vấn từng nhóm vấn đề theo hướng đối thoại, tranh luận.

Căn cứ vào kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường, UBTVQH xem xét, trình QH ban hành Nghị quyết về chất vấn và trách nhiệm của người trả lời chất vấn trong trường hợp cần thiết. Nghị quyết cần nêu rõ những nội dung tán thành, không tán thành; các đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; xác định trách nhiệm trong việc thực hiện lời hứa trước QH và thời hạn thực hiện.

Đáng lưu ý, nhiều ý kiến tán thành việc bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm đối với các chức danh lãnh đạo cấp cao do QH bầu và phê chuẩn. Kết quả bỏ phiếu được công bố công khai; người không đủ phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu QH hai lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình QH miễn nhiệm hoặc từ chức. Đồng thời, đề nghị giao UBTVQH xây dựng quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm trình QH xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm 2012 (kỳ họp thứ 4).

ĐBQH Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, nói: “Hiến pháp đã quy định việc này từ lâu nhưng tới nay ta chưa làm được vì thiếu hướng dẫn. Tới đây, cần làm rõ các quy trình, thủ tục liên quan để thực hiện”.

Cùng quan điểm này, ĐB Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, bổ sung: “Chúng ta phải xem xét ngay từ lúc QH bầu và phê chuẩn các chức danh theo thẩm quyền của QH. Mỗi ĐBQH khi ứng cử đều có chương trình hành động công bố công khai để cử tri dựa vào đó xem xét việc bỏ phiếu. Thế nhưng khi QH bầu các chức danh nhà nước hầu hết chỉ dựa vào bản lý lịch và khả năng dự báo của từng ĐBQH. Nên chăng, cần đổi mới ngay từ khâu bầu cử các chức danh chủ chốt, tức là trước khi QH bầu, mỗi bộ trưởng hay thành viên Chính phủ phải có chương trình hành động cụ thể để QH có đủ thông tin và yên tâm hơn khi bỏ phiếu bầu. Sau này, khi bỏ phiếu tín nhiệm, QH cũng có thể căn cứ vào chương trình hành động đó để xem xét chính xác hơn”. Bà Nga cũng cho rằng, vì các chức danh do QH bầu và phê chuẩn rất rộng (bao gồm cả các Ủy viên các cơ quan của QH) nên chỉ lấy tín nhiệm từ bộ trưởng trở lên.

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) đề nghị chức danh được QH bầu, phê chuẩn phải có số dư. “Đã có lúc bầu Thủ tướng có số dư, trong tiến trình đổi mới hiện nay không có lý do gì mà bầu Thủ tướng lại không có số dư” - ông Nam nêu vấn đề.

Cũng tại hội nghị, một số ý kiến đề nghị tăng thêm các phiên chất vấn ở UBTVQH, các phiên giải trình tại các Ủy ban của QH và mở rộng các cuộc họp trực tuyến để giảm thiểu chi phí, tiết kiệm tiền của dân.

Chiều 27-4, các ĐBQH tiếp tục thảo luận trực tuyến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Nhiều ý kiến cho rằng nội dung đề án chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. ĐB La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) nói: “Đề án chưa đánh giá rõ nét về thực trạng nền kinh tế. Phải có đánh giá chính xác thì tái cơ cấu mới có tác dụng”.

ĐB Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) góp ý: “Cần làm rõ thêm những vấn đề nổi cộm như lợi ích nhóm hay vì sao tính minh bạch còn thấp”. ĐB Lê Bộ Lĩnh (An Giang) yêu cầu xác định rõ mô hình tăng trưởng. ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) bình luận: “Phạm vi, thời gian thực hiện và nguồn lực để triển khai đề án đều chưa rõ trong khi đây là những vấn đề rất hệ trọng”. 

A.THƯ

Tin cùng chuyên mục