Chiều 22-4, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trình bày tờ trình về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2019/NĐ-CP ngày 23-1-2019 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.
Dự thảo nghị định gồm 2 nội dung chính, quy định chung mức sinh hoạt phí cơ sở áp dụng chung cho tất cả cơ quan Việt Nam ở nước ngoài theo hướng tăng thêm để bù đắp mức hỗ trợ bị cắt giảm kể từ năm 2019; bù đắp mức tăng giá cả sinh hoạt tính trung bình theo đồng nội tệ tại 94 địa bàn có cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; bổ sung nhằm phù hợp với thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu hẹp khoảng cách so với mặt bằng chung của các nước ASEAN có trình độ phát triển tương đương hoặc thấp hơn Việt Nam. Bộ trưởng Ngoại giao cho biết sẽ không kiến nghị điều chỉnh sinh hoạt phí cho đến năm 2030.
Đồng thời, con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được đề nghị hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm khám, chữa bệnh ở nước ngoài bằng mức mua bảo hiểm khám, chữa bệnh ở nước ngoài dành cho thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.
Bày tỏ ủng hộ chủ trương điều chỉnh tăng sinh hoạt phí, song các ý kiến tại phiên họp cho rằng vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Về lâu dài, cần sửa luật về các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung khác như phân loại địa bàn, chế độ khen thưởng cho cán bộ cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.
Hiện Việt Nam có 1.303 cán bộ được 19 bộ, ban, ngành, cơ quan cử làm việc theo chế độ nhiệm kỳ tại các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, bao gồm 94 cơ quan đại diện và các trung tâm văn hóa, xúc tiến thương mại, văn phòng đại diện của một số bộ, ngành, cơ quan báo chí Trung ương. Trong đó, số lượng cán bộ từ Bộ Ngoại giao chiếm khoảng 60%.