(SGGP).- Thông tin từ cuộc họp về báo cáo điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ GTVT vừa tổ chức cho biết, một số tuyến cao tốc đã được xem xét lại để điều chỉnh dựa trên dự báo lưu lượng giao thông, các quy hoạch và các đề xuất liên quan.
Cụ thể, sẽ điều chỉnh, bổ sung vào Quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam một số đoạn tuyến bao gồm: tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn dài 33km; một số đoạn của đường Vành đai 5 - Vùng thủ đô Hà Nội dài hơn 260km; tuyến Tuyên Quang - Đoan Hùng (Phú Thọ) dài 18km; tuyến Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) dài 133km. Bên cạnh việc điều chỉnh bổ sung đoạn tuyến, các đơn vị tư vấn cũng đề xuất xem xét quy mô xây dựng, phân kỳ đầu tư các tuyến cao tốc sao cho phù hợp với nguồn vốn đầu tư và đảm bảo tính hiệu quả của dự án, theo đó, một số tuyến cao tốc trong giai đoạn đầu chỉ xây dựng với 2 làn xe. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong tương lai, đường cao tốc sẽ dần thay thế quốc lộ chính hiện nay, trước mắt sẽ tập trung xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc ở các vùng kinh tế trọng điểm như Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Đà Nẵng - Quảng Ngãi - Huế, Cần Thơ - TPHCM - Bà Rịa Vũng Tàu... sau đó sẽ xây dựng các tuyến đường để kết nối đường cao tốc, kết nối các tuyến cao tốc với các nước trong khu vực, đường xuyên Á.
Theo Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mạng đường bộ cao tốc Việt Nam sẽ gồm 22 tuyến với tổng chiều dài 5.873km. Trong đó, quy mô lớn nhất là tuyến cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài khoảng 3.262km, gồm tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài khoảng 1.941km và tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây dài khoảng 1.321km.
BÍCH QUYÊN