Vào thời điểm này của năm trước, khi phát biểu chỉ đạo triển khai nhiệm vụ năm học 2016 - 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu các bước đổi mới giáo dục phải tuân thủ nguyên tắc “bất di, bất dịch” đã được nêu trong Nghị quyết 29, như triết lý giáo dục là khai mở trí tuệ, tu dưỡng nhân văn của con người, hun đúc lòng yêu nước, tinh thần dân tộc kết hợp với ý thức công dân toàn cầu. Lúc đó, bên cạnh các yêu cầu về đẩy mạnh tự chủ đại học, giải quyết bài toán học thêm - dạy thêm, đổi mới thi cử, phân luồng học sinh…, Phó Thủ tướng đã mong muốn ngành giáo dục quán triệt tinh thần “thực sự coi học sinh là trung tâm” từ những việc rất cụ thể, như đổi mới khai giảng, cải tạo khu vệ sinh ở các trường học, rèn luyện tinh thần giáo dục kỷ cương, tự lập, yêu lao động.
Nhìn lại năm học qua, đối chiếu với những yêu cầu mà Chính phủ đặt ra cho ngành giáo dục, rõ ràng vẫn còn đó những “dấu hỏi lớn”. Báo cáo tổng kết năm học 2016-2017 của Bộ GD-ĐT thừa nhận nhiều bất cập, hạn chế của ngành.
Từng bậc học đều còn những yếu kém riêng. Ví dụ, vẫn còn tình trạng thiếu trường, lớp mầm non ở các tỉnh thành có khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu đông dân cư. Quy mô trường, lớp ở một số vùng nông thôn, miền núi còn manh mún, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông thừa, thiếu cục bộ. Sĩ số học sinh mầm non, phổ thông/lớp ở một số địa phương còn cao so với quy định. Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học phát triển dàn trải, chưa có sự phân loại theo chất lượng để có chính sách ưu tiên đối với các lĩnh vực cần được đầu tư phát triển. Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương (thừa giáo viên THCS, thiếu giáo viên mầm non, tiểu học, đặc biệt là giáo viên dạy các môn Tin học, Ngoại ngữ, Nhạc, Họa...). Việc chuyển giáo viên phổ thông dôi dư dạy mầm non chưa qua đào tạo ở một số địa phương đã gây bức xúc trong ngành và xã hội. Năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Một số giáo viên thiếu kỹ năng, phương pháp sư phạm, cá biệt có giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Số lượng giảng viên đại học tăng so với năm học 2015 - 2016, tuy nhiên, tỷ lệ giảng viên có chức danh GS, PGS và trình độ tiến sĩ trong toàn hệ thống còn ở mức thấp, đặc biệt là tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của các trường cao đẳng sư phạm còn quá thấp (chiếm khoảng 3,4%).
Chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh vẫn luôn khiến xã hội bức xúc, khi nhiều học sinh sau 10 năm học tiếng Anh ở phổ thông vẫn “tậm tịt”. Việc dạy tiếng Anh tăng cường trong các cơ sở đào tạo chưa hiệu quả, dẫn đến nhiều sinh viên trước khi ra trường và thậm chí sau khi tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực ngoại ngữ. Tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều gần như chưa được giải quyết. Đối với đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, tỷ lệ phòng học kiên cố/lớp khá thấp, chỉ đạt bình quân khoảng 0,68 - chưa thể đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa trong thời gian tới. Đặc biệt, tình trạng học sinh - sinh viên “chưa ngoan” vẫn xuất hiện, nhiều trường hợp có những ứng xử, hành động phản cảm với bạn bè, thầy cô trong nhà trường hoặc ngoài xã hội…
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017 ngày 21-8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ ra 5 bất cập chính của ngành giáo dục. Đó là vẫn còn nhiều phong trào, cuộc thi không vì học sinh trong khi chủ trương là chúng ta phải tất cả vì học sinh, tạo thuận lợi cho các em. Thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông nhưng Chương trình giáo dục tổng thể được ban hành chậm; tinh thần, nhận thức về đổi mới chậm được triển khai, quán triệt trong ngành, trong toàn thể đội ngũ giáo viên. Ngành giáo dục vẫn chưa chú ý toàn diện đến việc dạy người. Còn nhiều tiêu cực, tệ nạn, bạo lực học đường trong học sinh, trong khi mong muốn của chúng ta là phải dạy làm người từ mẫu giáo trở đi, dạy cho các em những gì thật nhân văn, những gì thật cụ thể, thiết thực. Hay như thời gian tựu trường, Phó Thủ tướng cho rằng, cũng cần xem xét kỹ. Thực tế các trường đều tựu trường sớm trong khi Bộ GD-ĐT quy định khai giảng là ngày 5-9, vì thế mà thành hình thức…
Rõ ràng, những hạn chế đó không phải hết năm học này mới được Bộ GD-ĐT “chỉ mặt đặt tên”, mà đó đều là những hạn chế đã tồn tại từ trước, nhưng mãi chưa giải quyết được. Hơn thế, mỗi năm học qua đi, xã hội lại quan tâm nhiều hơn đến các bất cập của ngành giáo dục, mà mới đây nhất là vấn đề ngành sư phạm có nguy cơ chạm đáy. Điều đó đòi hỏi ngành giáo dục phải “tăng tốc” hơn nữa trong việc giải quyết những hạn chế, bất cập của mình. Không chỉ Bộ GD-ĐT phải “gương mẫu trước đi” như yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, mà từng sở, từng phòng giáo dục, từng trường học và từng cán bộ, giáo viên cũng phải gương mẫu, tâm huyết để thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục. Giáo dục là tương lai của đất nước, tương lai đó sáng sủa hay không phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, tâm huyết, tinh thần dám làm, dám tự chủ, đổi mới và sáng tạo của hơn 1 triệu cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo.