Thực tiễn nhiều thập niên vừa qua, nguyên nhân hàng đầu của mưa bão, lũ lụt tại miền Trung là do việc phá rừng, nhất là rừng đầu nguồn. Những năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết có những diễn biến bất thường, phức tạp. Bão lũ diễn ra bất ngờ, không chỉ tập trung ở miền Trung mà trải khắp cả nước, như tháng 9-2014 bão lũ ở phía Bắc, mưa ngập ở phía Nam.
Thêm một nguyên nhân nữa góp phần gia tăng những hiểm họa lũ lụt tại miền Trung là sự thiếu khoa học và thực tế trong xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi, giao thông, hồ chứa, công trình thoát lũ, tránh lũ. Những gì xảy ra thời gian qua cho thấy, công tác điều hành ứng phó với thiên tai tại một số địa phương miền Trung còn lúng túng, thậm chí có nơi, người dân và các cấp lãnh đạo chưa nhận thức đầy đủ về những diễn biến khó lường của thiên nhiên do đó tồn tại tư tưởng chủ quan và ỷ lại ở cấp trên, trông chờ vào sự hỗ trợ của Trung ương.
Điều oái oăm nhất là số người chết trong lũ diễn ra nhiều ở khu vực đồng bằng, ven đô thị các tỉnh thành miền Trung. Đó là những địa bàn ít xảy ra lũ lớn, quá trình đô thị hóa nhanh, việc quy hoạch, xây dựng cơ bản không chuẩn bị cho việc phòng ngừa lũ lụt, người dân còn nhiều chủ quan. Điều này cần trở thành bài học ở các vùng mới diễn ra lũ lụt trong thời gian gần đây ở Bắc bộ, đặc biệt một số tỉnh Nam bộ.
Riêng mấy ngày vừa qua, các tỉnh có bờ biển được quy hoạch các khu du lịch, đường ven biển, khu dân cư tập trung… chứng kiến sự xâm thực mạnh mẽ của triều cường khi gió lớn, bão. Tại Quảng Nam, cửa biển Cửa Đại bị bồi lấp nghiêm trọng, toàn bộ bờ biển có sự tác động của quá trình đô thị hóa đã bị biến dạng nghiêm trọng… Năm 2013, bờ biển các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… đều có hiện tượng sông, biển xâm thực, tàn phá các công trình ven bờ trong mùa mưa bão.
Vấn đề di dời dân, chống xâm thực vào mùa mưa lũ cần được pháp chế hóa trong các quy hoạch xây dựng cơ bản, giao thông… và có chế tài nghiêm khắc đối với việc phá hủy môi trường tự nhiên của bờ biển. Đặc biệt, có những giải pháp chống xâm thực một cách bền vững nhất đồng bộ với quy hoạch xây dựng cơ bản, giao thông ven bờ biển.
Hiện nay, phương án phòng, chống lụt bão chỉ theo phương châm “bốn tại chỗ”, nhiều hệ lụy liên quan đến xâm thực bờ biển, bờ sông chưa được chú trọng đúng mức. Bởi giải pháp bảo vệ bờ biển, bờ sông chống thay đổi dòng chảy, chống xâm thực đều là những dự án tốn kém. Chính vì vậy, năm nào sau bão lũ các địa phương đều kêu ca thiếu kinh phí… rồi để đó, hết năm này đến năm khác mặc cho sóng biển, dòng sông xâm thực theo tốc độ ngày càng mạnh.
Cùng với việc nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng, chống thiên tai cho người dân, các tỉnh miền Trung cũng cần phải kiện toàn hệ thống đê điều, tăng cường cơ sở vật chất và mạng lưới cứu hộ thiên tai bão, lũ, đặc biệt là vùng núi, ven biển, hải đảo và các ngư trường biển. Nhà nước quy hoạch, xây dựng các khu vực tránh bão, tránh lũ, vận động người dân (có điều kiện kinh tế) xây nhà kiên cố, nhà cao tầng nhằm hạn chế tối đa tổn thất về người và của. Từng địa phương, vùng có phương án, tổ chức diễn tập theo phương án và tổ chức tốt cho người dân di chuyển đến nơi cao và an toàn trước các trận bão và lũ lụt, nước dâng có cường độ lớn. Có kế hoạch từng bước nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông, trồng cây chắn sóng, trồng rừng ngập mặn ngoài đê để hạn chế tác động của bão, lũ và nước dâng.
Bão, lũ trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến khó lường. để giảm thiệt hại về người và của, hơn lúc nào hết các giải pháp hữu hiệu cần được đưa ra và thực hiện ngay. Nhất là sớm hoàn thành hệ thống cảnh báo sóng thần để kịp thời phát hiện, cảnh báo cho người dân sơ tán an toàn. Có như vậy, người dân nơi đây mới yên tâm sống chung với thiên tai, bám trụ trên mảnh đất thường xuyên bão, lũ.
TRẦN KHA