Đến hết năm 2015, cơ bản giải quyết xong xe quá tải

Sáng nay, 19-11, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) Đinh La Thăng tiếp tục trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Đến hết năm 2015, cơ bản giải quyết xong xe quá tải

(SGGPO).– Sáng nay, 19-11, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) Đinh La Thăng tiếp tục trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Đắt nhất hành tinh vì 85% là chi phí giải phóng mặt bằng

Chiều qua, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) chất vấn suất đầu tư 1km đường ở Việt Nam là rất cao, thậm chí có con đường được làm với kinh phí cao nhất hành tinh. Bộ GT-VT đã rà soát việc này chưa khi nói rằng theo đã tính toán đúng theo quy định? ĐB cũng đề nghị công bố công khai chi phí về xây dựng 1km đường cho dân giám sát.

Trả lời điều này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, vì có ý kiến nói suất đầu tư làm đường ở Việt Nam cao nhất thế giới, nên Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng rà soát, so sánh kiểm tra. Qua rà soát cho thấy, chi phí làm đường cao tốc ở Việt Nam chỉ tương đương Trung Quốc, thấp hơn Hàn Quốc và thấp hơn nhiều so với Nhật Bản. Cũng theo Bộ trưởng, mức đầu tư làm một con đường ở Việt Nam là khác nhau. Có những dự án mà suất đầu tư thấp hơn trong khu vực như cao tốc Hà Nội –Thái Nguyên, Hà Nội-Hải Phòng, trong khi đó có những dự án sử dụng vốn vay thương mại như tuyến Hà Nội-Hải Phòng, hoặc dự án đi qua nền đất yếu, phải xây nhiều cầu như tuyến Bến Lức-Long Thành, các dự án ở ĐBSCL... thì kinh phí sẽ cao hơn. Một số đường chi phí cao vì phí giải phóng mặt bằng lớn, vốn không đủ từ đầu, kéo dài, trượt giá tiền dội cao lên, chi phí rà phá bom mìn, đường đi qua khu dân cư, nút giao, cầu vượt, hầm giao dân sinh... Tuyến đường Hà Nội - Hải Phòng có tới 10 nút giao, tốn 800-1.000 tỷ đồng để làm 107 hầm dân sinh, 22 cầu vượt...

Bộ trưởng Đinh La Thăng hứa sẽ có báo cáo gửi ĐB Ngô Văn Minh chi tiết đầu tư các con đường trong nước và trên thế giới. Tuy nhiên, ĐB Ngô Văn Minh từ chối nhận báo cáo vì “không có thời gian nghiên cứu”, “vì sợ tốn giấy mực của Bộ trưởng” và yêu cầu Bộ trưởng công bố cho dân biết, giám sát.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải trả lời chất vấn sáng 19-11. Ảnh: Lã Anh

ĐB Ngô Văn Minh cũng hỏi: "Suất đầu tư cao có phải là do yếu tố định mức đầu tư cao? Tôi đề nghị Bộ GT-VT phải cùng các bộ rà soát lại. Cần tách yếu tố giải phóng mặt bằng (GPMB) ra để dân họ dễ so sánh suất đầu tư giữa các con đường”, ĐB Ngô Văn Minh nói.

Trước yêu cầu này của ĐB, sáng nay, Bộ trưởng đề nghị được tiếp nhận tài liệu của ĐB Ngô Văn Minh để có điều kiện đối chiếu, so sánh. Trả lời điều này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, suất đầu tư phải có so sánh từng đồng, tương đối. Hai căn nhà làm quy mô giống, cạnh nhau, thi công giống nhau nhưng đã khác nhau về giá vì thiết kế kỹ thuật khác nhau. Làm đường cao tốc ở khu vực miền núi bình quân là 7,4 triệu USD/km; ở khu vực Trung và Nam Trung bộ là 10,5 triệu USD/km; khu vực đồng bằng Bắc bộ là 10,6 triệu USD/km; khu vực Nam bộ 17,2 triệu USD/km.

Bộ trưởng cho rằng, không thể so sánh đường cao tốc với các đường khác, vì thế không thể có chi phí bình quân suất đầu tư làm đường ở Việt Nam. Hơn nữa, mỗi dự án có chi phí GPMB cũng khác nhau. Ví dụ Dự án cao tốc Láng -Hòa Lạc tổng số GPMB bằng chỉ chiếm trên 20% tổng mức đầu tư, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng chỉ chiếm 8,13%, cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi chỉ chiếm trên 11%, cao tốc PHCM-Trung Lương chỉ chiếm 9,2%, cao tốc Bến Lức-Long Thành chỉ chiếm 10%.

“Đối với đường Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu (Hà Nội) được coi là con đường đắt nhất hành tinh thì kinh phí GPMB chiếm 85% tổng mức đầu tư toàn dự án. Do vậy chi phí xây dựng đường thì như nhau, đắt hay rẻ là do chi phí GPMB.”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói. 

Tiết kiệm 39.000 tỷ đồng: Không ai bị xử lý vì do chủ trương đầu tư

ĐB Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) yêu cầu Bộ trưởng nói rõ tương lai sẽ tập trung loại vận tải nào. Về điều này, Bộ trưởng thừa nhận, cơ cấu vận tải hiện nay chưa hợp lý vì đường bộ chiếm trên 61% hàng hóa, 95% khách.

“Tới đây, sẽ tăng thị phần đường sắt, đường thủy nội địa, giảm đường bộ, kết nối các loại vận hành với nhau. Ví dụ ở Lào Cai chỉ cần mua 1 loại vé là có thể đi các loại phương tiện vận tải để đến nơi cần đến”, Bộ trưởng cho biết.

Đồng thời khẳng định, khi thực hiện chặt chẽ kiểm soát trọng tải, chắc chắn cước phí đường bộ rất cao, hàng hóa từ đường bộ buộc phải chuyển xuống đường thủy nội địa, hàng hải. Như vậy là cũng góp phần giảm vận tải đường bộ. “Cố gắng đến hết 2015, cơ bản giải quyết xe quá tải ở đường bộ”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói thêm.

Đặc biệt, ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) chất vấn, vừa qua Bộ GT-VT tiết kiệm 35.000 tỷ đồng, đó là con số khủng, mơ ước của các bộ ngành, các chương trình dân sinh.

“Mới nghe thì tích cực nhưng giảm thì có bảo đảm chất lượng công trình?. Hay là do dự toán sai, có yếu tố tiêu cực, vậy ai phải chịu trách nhiệm? Tiết kiệm nhưng phải bảo đảm không giảm chất lượng công trình. Bộ cần  chứng minh rõ ràng về con số đó là tiết kiệm thực sự?”, ĐB Lê Văn Lai chất vấn.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư công, đã rà soát 44 dự án, đã tiết giảm trên 39.000 tỷ đồng, tiết giảm chứ không phải tiết kiệm. Trong đó, rà soát phân kỳ đầu tư thì đã tiết giảm trên 14.000 tỷ đồng, ví dụ đường cao tốc Hà Nội- Lào Cai, ban đầu định làm toàn tuyến cả 4 làn, sau chỉ làm 2 làn từ Yên Bái lên Lào Cai vì thấy chưa cần thiết vì lưu lượng xe ít. Rà soát phân kỳ quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật thì tiết giảm được trên 12.000 tỷ đồng. Ví dụ dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, thiết kế lại quy mô từ 100-120km/giờ xuống 80-100km/giờ cũng đã giảm được tổng mức đầu tư. Ngoài ra, kiểm định và gia cường để kéo dài thời gian khai thác cầu, có khoảng 70 cầu phải đập đi làm lại được áp dụng biện pháp hiện đại để gia cường nên tiết kiệm được trên 1.300 tỷ đồng. Trong số 39.000 tỷ đồng đó thì có trên 11.000 tỷ đồng là tiết kiệm do rà soát để lựa chọn các công nghệ, giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhất để tiết kiệm. “Tiết giảm, tiết kiệm nhưng vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, nên không lo ảnh hưởng đến chất lượng công trình”, Bộ trưởng khẳng định.

Vẫn theo Bộ trưởng, cũng không thể xử lý kỷ luật được ai sau khi tiết giảm, tiết kiệm được 39.000 tỷ đồng này, vì là do chủ trương đầu tư. Ví dụ ban đầu định làm cầu dây văng, sau vì ít tiền thì chuyển sang làm cầu bê tông, có cây cầu có thể tiết kiệm 900 tỷ đồng theo hình thức BOT. Hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật cũng là do chủ trương đầu tư, nếu có tiền thì có thể áp dụng kỹ thuật tốt hơn, cho chạy tốc độ 100-120km/h, nhưng sau thấy không cần thiết thì điều chỉnh lại đê tiết giảm hơn cho phù hợp với tình hình đất nước.

Với chất vấn của ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa-Vũng Tàu) và một số ĐB khác về việc cần rà soát tiêu chuẩn, định mức trong thi công vì đây là lĩnh vực dễ tiêu cực, tham nhũng, thất thoát, Bộ trưởng Đinh La Thăng cam kết, đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành GT-VT. Ngành thường xuyên rà soát để bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, không làm đội vốn.

“Kể cả các dự án BOT cũng được quản lý chặt chẽ như vốn ngân sách Nhà nước, giám sát chặt chẽ về vốn, thi công, vì đều là tiền của dân, của nước, đều là người dân phải nộp phí”, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.

Các dự án BOT cũng đã được tăng thời hạn bảo hành từ 2 năm lên 4 năm, nên khi có sự cố xảy ra thì nhà thầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. “Có những dự án vừa đưa vào sử dụng đã có vấn đề. Vì cũng như các lĩnh vực khác, sản phẩm làm ra có thể bị lỗi. Toyota sản xuất hiện đại nhưng có khi phải thu hồi hạng triệu sản phẩm ô tô bị lỗi. So sánh để không phải né tránh trách nhiệm, chúng tôi xin nhận trách nhiệm, nhưng mong được Quốc hội, nhân dân chia sẻ. Chúng tôi sẽ thành lập các đoàn kiểm tra dự án, nếu có hư hỏng thì nhà thầu phải khắc phục ngay trước khi hết thời hạn bảo hành”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Những cam kết quý báu”

Chốt lại phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã làm Bộ trưởng hơn 3 năm, qua công việc, qua trả lời chất vấn thì thấy có sự chuyển biến rất rõ. Trả lời thẳng vấn đề, có giải pháp, có cam kết rõ ràng, tinh thần đã  nói là làm, đã hứa là thực hiện. Ví dụ cam kết đường sắt trên cao an toàn, Quốc lộ 1 xong sớm 1 năm, có cầu treo... Đó là những cam kết quý báu.

Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, GT-VT là huyết mạch của đời sống kinh tế-xã hội, Đảng và Nhà nước coi đó là một hâu đột phá. Đã có chiến lược, hàng năm đều có kế hoạch để đầu tư. Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Bô GT-VT rà lại chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã có với tinh thần nếu cần thì điều chỉnh để tiếp tục hoàn thiện định hướng phát triển. Trên cơ sở đó có sơ đồ, giải pháp để kêu gọi đầu tư, bảo đảm tiến độ của quy hoạch và kế hoạch, mở rộng đầu tư trong và ngoài nước kết hợp với đầu tư trong làm hạ tầng giao thông, hình thành mạng lưới kết nối Việt Nam và các nước. Có nhiều biện pháp sáng tạo để thúc đẩy đầu tư, bảo đảm tiến độ.

 Quốc hội cũng yêu cầu ngành GT-VT tính toán lại sơ đồ tài chính trên tinh thần hiệu quả, chỉ ró cái gì làm trước, cái gì làm sau, kêu gọi được đầu tư từ nhiều nguồn, triển khai đồng bộ phát triển các loại hình vận tải, không xem nhẹ loại hình nào.

“Bộ GT-VT chứ không phải là bộ đường bộ, đường sắt hay hàng không..”, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở.

Bảo đảm đến cuối 2015, báo cáo Quốc hội tổng thể để chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tiếp theo, tiếp tục thực hiện đột phá về hạ tầng giao thông. Ngoài ra, cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng các công trình, suất đầu tư, bảo đảm giá thành hợp lý, phát huy hiệu quả; tăng cường giám sát, rà soát để tiếp tục tiết giảm, tiết kiệm kinh phí như đã làm trong năm 2014. Lĩnh vực GT-VT tốn nhiều tiền, nên cần phải tăng cường phòng chống tham nhũng, chống thất thoát hiệu quả. Bên cạnh đó, tiếp tục giảm tai nạn giao thông, hàng năm giảm 5-10%, bảo đảm 63 tỉnh thành đều giảm được. Đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực để giảm giá thành, giảm giá cước.

PHAN THẢO

>> “Bán” quyền khai thác để xây đường cao tốc

Tin cùng chuyên mục