
Hàng ngày, chị cùng nhóm Hoa Sữa thay nhau vào chăm sóc các bệnh nhân bị HIV/AIDS tại Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội. Tận tay chị chăm sóc các bệnh nhân giai đoạn cuối mà đến người thân của họ cũng không dám đến gần, tự tay chị khâm liệm cho những bệnh nhân vô gia cư, không người thân thích. Với chị, đó là cuộc sống, là niềm vui trong chuỗi đời còn lại.
Một cái trượt tay

“Có gì mà kể đâu em, cái số của chị nó vậy. Chị chọn như thế để mai này được ra đi một cách thanh thản”, chị vừa nói tay vẫn không ngừng đan len. Những sợi len được móc nối với nhau cũng giống như chị đang cố hàn gắn lại cuộc đời mình. 39 tuổi, khuôn mặt chữ điền toát lên vẻ đẹp mặn mà, đa đoan. Thoạt nhìn chị, ít ai nghĩ rằng, chị đã phải trải qua nhiều con dốc cuộc đời.
19 tuổi, chị Đào Phương Thanh theo chồng về miền đất Cảng. Chồng chị là một thủy thủ tàu viễn dương. Hạnh phúc vợ chồng chưa bao lâu thì chị đã phải khóc chồng bị mất tích ngoài khơi trong một vụ đắm tàu. Đứa con gái chưa ra đời đã mồ côi bố. Không nghề nghiệp, chị theo gia đình chồng vào Nam sinh sống. Sau 9 năm tha hương trên mảnh đất Sài thành, năm 1995, bỏ qua những quá khứ khổ đau, chị quay về Hải Phòng với công việc thường chỉ dành cho nam giới: lái xe cho sếp.
Năm 2000, chị được tin em trai (là con trai duy nhất trong gia đình chị) bị nhiễm HIV, rồi cô em gái bệnh tật bị chửa hoang, sinh ra 2 đứa trẻ mà không biết cha là ai, chị quyết định vứt lại tất cả, ôm con trở về nhà.
Nhìn mẹ bị tai biến mạch máu não nằm liệt giường đã 15 năm, bố thì ung thư gan, những đứa trẻ nheo nhóc… lòng chị đau như cắt. 4 năm trời, chị còng lưng gánh nỗi đau của số phận, xoa dịu cơn bấn loạn của gia đình, chăm sóc đứa em trai bị AIDS đã vào giai đoạn cuối.
Trong một lần rút kim truyền dịch cho em trai, chị bị trượt tay, kim tiêm đâm xuyên găng vào ngón tay đeo nhẫn. Nhìn máu chảy, chị khuỵu xuống, mọi người xúm lại cố nặn cho hết máu độc. 9 ngày sau khi cha mất, đứa em trai trút hơi thở cuối cùng, chị đến bệnh viện xét nghiệm máu. Kết quả xét nghiệm dương tính HIV cầm trên tay như một dấu chấm hết với cuộc đời chị. Chị thu mình trong căn nhà nhỏ, sợ âm thanh hối hả của cuộc đời. Mấy tháng sau, mẹ chị cũng qua đời. Nhìn con, nhìn cháu, nhìn đứa em gái, chị cố gượng dậy.
Cuộc đời không có đường cùng
Mỗi ngày, cả gia đình chị chỉ có cơm với 2 ngàn đồng canh mua ngoài đầu ngõ. Nhìn ba đứa trẻ tong teo còn mình thì lay lắt sống, chị thấy lòng đau cùng cực. “Đến thế này là cùng, chứ hơn nữa thì chỉ có chết”, nghĩ thế, sau bảy tháng “thu mình” trong HIV, chị quyết định bước ra cuộc đời. “Cứ tưởng mọi người xa lánh tôi, không ngờ đời tôi thay đổi từ đó”, chị tâm sự.
Từ khi biết chị nhiễm HIV, ngày nào, chị Thanh cũng nhận được thư hỏi thăm, chia sẻ, giúp đỡ của mọi người. Nhiều tổ chức biết đến chị và mời chị chia sẻ kiến thức với người đồng cảnh ngộ. Tổ chức Policy và Tổ chức Care đã mời chị tham gia các khóa học kỹ năng thành lập nhóm, điều hành nhóm những người nhiễm HIV tự lực giúp đỡ nhau.
Thời gian đi theo các đoàn thể tập huấn, tuyên truyền các kiến thức và kỹ năng đã giúp chị sống mạnh mẽ và bản lĩnh hơn. Tình yêu thương những số phận trượt ngã, rơi vào vũng lầy HIV đã trở thành cầu nối giữa chị và bao người cùng cảnh ngộ.
Ngày 8-8-2004, chị thành lập nhóm Hoa Sữa. Tầng 3, ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Thanh trong ngõ Lương Sử B, Quốc Tử Giám, Hà Nội trở thành nơi sinh hoạt của nhóm. Ba năm, Hoa Sữa từ 6 thành viên, nay con số tập hợp đã lên đến gần 100 người. Họ - những người bất hạnh cùng đi bên nhau, chia sẻ và nương tựa vào nhau.
Được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, chị Thanh tổ chức để nhóm Hoa Sữa nhận các sản phẩm thêu, đan len… và lấy tiền lãi thu được để làm từ thiện. Một tuần, có đến 5 ngày nhóm cử người thay phiên nhau nấu cháo mang vào phát miễn phí ở Bệnh viện Đống Đa, chia nhau chăm sóc bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối.
Bản thân chị Thanh thì chăm sóc các bệnh nhân giai đoạn cuối mà đến người thân của họ cũng không dám đến gần, tận tay khâm liệm cho những bệnh nhân vô gia cư, không người thân thích. Vào những ngày thứ bảy, nhóm Hoa Sữa còn tổ chức đi nhặt kim tiêm mà dân nghiện “hành xử” xong đâm vào thân cây hoặc vứt bừa ở những nơi công cộng. Chị Thanh và những thành viên của nhóm Hoa Sữa đều mong ước “đừng ai rơi vào vũng lầy như em trai tôi”.
Cuộc sống của chị giờ không còn khổ như trước. Đứa con gái của chị nay đã 19 tuổi và đang cùng nhóm Hoa Sữa giúp đỡ những cuộc đời bất hạnh, những người lầm đường lạc lối. Chị Thanh không muốn bỏ phí quãng đời mình còn lại, vì luôn tâm niệm rằng: “Cuộc đời không có đường cùng, chỉ có những ranh giới, quan trọng là mình phải vượt qua ranh giới ấy”.
PHAN THÀNH AN