Dệt may xuất khẩu vượt khó!

Dệt may xuất khẩu vượt khó!

Năm 2011, dệt may chính thức vượt qua dầu khí giữ vững vị trí xuất khẩu (XK) số 1 của Việt Nam (VN). Dù gặp khó khăn trong những tháng cuối năm nhưng xuất khẩu dệt may liên tục lập đỉnh, phá kỷ lục về XK và chắc chắn vượt đích 13,5 tỷ USD trong năm nay.

Buồn, vui lương thưởng cuối năm

Tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khủng hoảng đang lan rộng trong khối các nước sử dụng đồng EUR đã có tác động mạnh đến nền kinh tế VN. Doanh nghiệp (DN) trong nước “khóc ròng” về giảm sút kinh doanh và áp lực càng đè nặng hơn khi Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 đã cận kề. Với những DN có nhiều lao động như ngành dệt may thì áp lực đó càng cao. Vấn đề chăm lo cho người lao động, chế độ lương thưởng cuối năm đang là vấn đề lớn, mối quan tâm hàng đầu của DN vào lúc này.

Trong buổi làm việc mới đây của đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM với Liên đoàn Lao động TPHCM, 24 quận, huyện và các doanh nghiệp về việc chăm lo tết 2012 cho người lao động, kế hoạch DN TPHCM thưởng tết cho người lao động năm nay không cao; kinh tế khó khăn, nhiều công nhân quyết định không về quê đón tết. Người lao động cũng đang hồi hộp về mức thưởng cuối năm.

Công nhân may ở Garmex Sài Gòn sẽ có mức thưởng tết năm nay khá cao. Ảnh: MỸ HẠNH

Công nhân may ở Garmex Sài Gòn sẽ có mức thưởng tết năm nay khá cao. Ảnh: MỸ HẠNH

Theo ghi nhận tại nhiều DN dệt may, hầu hết DN đều có tháng lương 13 cho lao động. Đối với lao động làm việc trong thời gian ngắn, không đủ năm, sẽ có mức lương chênh lệch so với lao động làm việc nhiều năm, năng suất làm việc tốt… Nhiều DN cho biết, mức thưởng tháng 13 bằng hoặc nhỉnh hơn năm trước do tăng theo điều chỉnh tăng lương. Tuy nhiên, so với mức trượt giá hiện nay, cũng với số tiền đó, người lao động sẽ cảm thấy ít hơn. Đây cũng là trăn trở lớn đối với người chủ DN.

Ở thời điểm mà ai cũng khó, thậm chí cho rằng mức thưởng sẽ thấp hơn những năm trước thì vẫn có nhiều DN dệt may tiên phong trong vấn đề chăm lo đời sống, thưởng tết cho người lao động năm nay cao hơn năm trước. Thậm chí, khi biết được số tiền thưởng cụ thể, lao động của những ngành nghề “chất xám” chắc chắn cũng phải ghen tị với công nhân may! Đó là những DN có quy mô sản xuất lớn, kinh doanh hiệu quả như Việt Tiến, Nhà Bè, Sài Gòn 3, Garmex Sài Gòn…

Trong thời điểm “nhạy cảm” về việc công bố lương thưởng tết hiện nay, những “anh cả” trong ngành dệt may Việt Nam nêu trên không muốn nói con số cụ thể vì ngại sẽ tạo ra áp lực cho đồng nghiệp cũng như sự kỳ vọng không đúng về lương thưởng trong công nhân ở những đơn vị khác. Vì họ chỉ là số ít trong khoảng 3.500 DN dệt may trên cả nước làm được điều đó cho người lao động của mình.

Năm ngoái, thưởng tết ở những DN này ở khoảng 5 - 6 triệu đồng/người, năm nay mức thưởng cao hơn do tính theo mức tăng của lương. Garmex Sài Gòn dành quỹ lương 26 tỷ đồng để lo thưởng cho khoảng 2.900 lao động trong tết này, với mức thưởng bình quân cho lao động trực tiếp sản xuất tại các xí nghiệp ở TPHCM khoảng gần 9 triệu đồng/tháng (lương bình quân hàng tháng 5 triệu đồng). Công nhân dệt may đã thật sự sống được với nghề! Để nhận được phần thưởng khác thường trên, lao động trong những doanh nghiệp này cũng phải đáp ứng được tốc độ làm việc, năng suất sản xuất rất “khác thường”!

Năm 2012 - không quá khó!

Dệt may đã đạt được tốc độ tăng trưởng XK khá cao trong nhiều năm qua và đang trên đường thiết lập đỉnh mới. Liên tục từ đầu năm đến nay, dệt may đã phá vỡ kỷ lục về kim ngạch XK. Theo mục tiêu ngành dệt may đề ra, năm nay dệt may sẽ đạt khoảng 13,5 tỷ USD XK. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, XK dệt may đã cho thấy một con số lạc quan hơn mục tiêu đặt ra. 10 tháng năm 2011, dệt may đã đạt 11,7 tỷ USD, kim ngạch 11 tháng sẽ đạt khoảng 13 tỷ USD và chắc chắn dệt may sẽ về đích năm 2011 với mốc vượt 14 tỷ USD, tăng gần 30% so với năm 2010.

Trước khó khăn kinh tế ở những thị trường XK chính như Mỹ, EU, đơn hàng sản xuất dệt may không dư dả như trước, nhiều DN đã giảm sản xuất khoảng 15% - 20% so với năng lực sản xuất. Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN cho biết, tình hình thị trường hiện nay không tốt như trước, nhiều DN gặp khó, các nhà nhập khẩu cũng đang “dòm ngó” thị trường, giảm bớt sản lượng của đơn hàng. Cả nhà sản xuất và nhập khẩu điều đang bị động, chờ đợi.

Theo các DN, ở thời này của năm 2010, thị trường tốt, đơn hàng nhà nhập khẩu đặt DN sản xuất đến tháng 6-2011. Nhưng hiện nay, các DN còn đang trong quá trình đàm phán, đơn hàng sản xuất chỉ có đến tháng 3-2012. Tình hình hiện nay làm DN không phấn chấn như đầu năm 2011. Tuy nhiên, ông Hồng cũng tỏ ra lạc quan, dệt may XK sẽ không quá khó khăn! Vì hiện nay, XK dệt may đang đạt tăng trưởng XK khá cao, việc giảm sút, chậm đơn hàng chỉ làm tốc độ tăng trưởng chựng lại đôi chút.

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục