Đi bộ phải đúng luật

Chiếc xe khách chở đoàn công tác từ TPHCM ra miền Trung cứu trợ đồng bào bị thiên tai. Trên đường vào xã, có một nam thanh niên đang đi bộ giữa đường. Tài xế nhấn còi xin đường, người thanh niên quay lại nhìn với vẻ mặt thách thức, rồi cứ chầm chậm đi bộ ngông nghênh giữa đường, không chịu tránh cho xe qua. Mọi người trên xe kinh ngạc lẫn bực bội nhưng bảo nhau rằng “Gặp Chí Phèo rồi, thôi ráng chạy xe lẽo đẽo phía sau vậy!”. Hành vi gây cản trở giao thông của người thanh niên ấy vừa thiếu văn hóa vừa vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ (GTĐB). Thực tế cho thấy việc kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt người đi bộ vi phạm Luật GTĐB là cần thiết để lập lại trật tự an toàn GTĐB, giáo dục ý thức chấp hành Luật GTĐB.

Những ngày qua, dư luận chú ý bàn tán về việc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hà Nội ra quân kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt người đi bộ trên địa bàn vi phạm Luật GTĐB. Thực ra đây là việc bình thường của CSGT, thực hiện theo quy định của Luật GTĐB: CSGT đường bộ thực hiện việc tuần tra kiểm soát để kiểm soát người và phương tiện tham gia GTĐB; xử lý vi phạm pháp luật về GTĐB đối với người và phương tiện tham gia GTĐB và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Điều 32, 33, 34 Luật GTĐB đã có những quy định cụ thể đối với người đi bộ, người khuyết tật, người già yếu tham gia giao thông, người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ. Theo đó, người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường. Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ, thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.

Đã có những quy định rất cụ thể, nhưng lâu nay nhiều người đi bộ không biết, không quan tâm tuân thủ. Thí dụ như: Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không được đi vào đường cao tốc. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường. Người khiếm thị khi đi trên đường bộ phải có người dắt hoặc có công cụ để báo hiệu cho người khác nhận biết đó là người khiếm thị. Mọi người có trách nhiệm giúp đỡ người khuyết tật, người già yếu khi đi qua đường. Không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới. Do không biết luật hoặc do tâm lý xem việc đi bộ là chuyện bình thường, thậm chí cho rằng xe phải tránh người chứ người không phải tránh xe, nên nhiều người đi bộ vẫn thản nhiên đi bộ dưới lòng đường, leo qua dải phân cách, đi vào đường cao tốc, băng qua đường không đúng nơi quy định, không tuân thủ hiệu lệnh của CSGT, đèn tín hiệu, biển báo giao thông, vạch kẻ đường.

Tại TPHCM cũng có tình trạng nhiều người đi bộ không tuân thủ Luật GTĐB. Ở những giao lộ đông đúc xe cộ đã có hầm chui hay cầu vượt bộ hành, hầu hết người đi bộ vẫn liều lĩnh băng ngang đường cho nhanh, đỡ mất thời gian. Việc băng ngang qua đường tùy tiện không chịu đến giao lộ băng qua trên vạch sơn dành cho người đi bộ và không chờ đèn tín hiệu vẫn diễn ra rất phổ biến. Mặc dù có rào chắn phân cách để đảm bảo an toàn giao thông nhưng nhiều người đi bộ vẫn cố leo qua, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Do vậy, không chỉ TP Hà Nội, mà TPHCM và các địa phương khác trong cả nước cũng nên kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt người đi bộ vi phạm Luật GTĐB.

Đây là việc đáng ra phải làm từ lâu và cần phải làm thật nghiêm túc, thường xuyên, nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Ngành CSGT không nên chỉ mở một đợt “ra quân” rồi đánh trống bỏ dùi, mà cần duy trì thường xuyên việc kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt để tạo thành nền nếp cho người đi bộ tuân thủ Luật GTĐB. Một vấn đề quan trọng là chính quyền các đô thị phải tạo đủ điều kiện cho người đi bộ có thể đi bộ đúng quy định pháp luật GTĐB. Cụ thể là giải tỏa cho được tình trạng chiếm dụng lòng lề đường để họp chợ, làm hàng quán, đậu xe, thậm chí làm garage sửa xe, sân phơi thóc và rơm rạ..., để người đi bộ có lối đi an toàn, đúng luật. Tại các giao lộ lớn, nơi thường xuyên có đông người qua đường, cần đầu tư xây dựng cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ. Cũng phải đảm bảo giữ vệ sinh và an ninh, khắc phục tình trạng người đi bộ không dám đi cầu vượt, hầm chui vì mất vệ sinh và có những con nghiện tụ tập. Việc giáo dục ý thức chấp hành Luật GTĐB cần được chú trọng hơn nữa trong chương trình giáo dục tiểu học, để mọi công dân ngay từ tuổi học trò đã biết luật và đi đường đúng luật.

HUỲNH THANH LUÂN

Tin cùng chuyên mục