Đó là hành động bảo vệ môi trường thiết thực mà nhiều hội liên hiệp phụ nữ tại các quận, huyện trên địa bàn TPHCM đã và đang làm. Đại diện các hội liên hiệp phụ nữ quận, huyện cho rằng, bảo vệ môi trường không cần thiết là phải đầu tư những công trình có kinh phí lớn mà có thể bắt đầu từ những hành động nhỏ, thân thuộc trong chính cuộc sống.
Giảm sử dụng túi ni lông để giảm ô nhiễm
Túi ni lông là vật dụng thân thuộc và tiện lợi trong cuộc sống. Do đó, cùng với tốc độ gia tăng dân số nhanh tại TPHCM thì nhu cầu sử dụng túi ni lông cũng không ngừng tăng lên. Thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho thấy, mỗi ngày người dân thành phố thải ra môi trường khoảng 60 tấn túi ni lông đã qua sử dụng. Hiện vẫn chưa có thống kê chính xác bao nhiêu phần trăm trong số lượng túi ni lông thải ra môi trường được tái chế rồi trở lại thị trường và bao nhiêu phần trăm phát tán ra tự nhiên. Thế nhưng, nhìn vào thực trạng kênh rạch đặt rác và dòng nước ngày càng ô nhiễm nặng do không thể lưu thông dòng chảy cũng đủ thấy những tác hại sử dụng túi ni lông hiện hữu trong cuộc sống của cộng đồng dân cư. Đại diện Trung tâm điều hành chương trình chống ngập của thành phố cũng khẳng định thêm, tình trạng ngập úng của thành phố mỗi khi mưa xuống có một phần nguyên nhân xuất phát từ tình trạng rác thải ni lông đang ngập tràn hệ thống cống thoát nước của thành phố.
Tặng túi giấy sử dụng thay thế túi ni lông trong Tháng tiêu dùng xanh tại TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Nhận thức được tác hại của túi ni lông đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, trong thời gian qua, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 5 đã chỉ đạo các cấp hội tăng cường công tác tuyên truyền trong hội viên phụ nữ, thương nhân về công tác bảo vệ môi trường. Phối hợp tuyên truyền vận động cán bộ hội viên tại 99 chi hội chung tay bảo vệ môi trường bằng những hình ảnh cụ thể trong sinh hoạt hàng ngày. Theo đó, tập trung vào việc xây dựng lực lượng tuyên truyền viên hiểu rõ về mục tiêu, yêu cầu của chương trình “Hạn chế sử dụng túi ni lông”. Lực lượng này sẽ là cầu nối chuyển tải những thông tin tới cán bộ, hội viên và quần chúng nhân dân, có sức thuyết phục, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia. Quận hội đã phối hợp cùng Phòng Tài nguyên - Môi trường và Ban quản lý các chợ tổ chức 6 lớp tập huấn về tác hại của túi ni lông kết hợp tọa đàm “Giảm sử dụng túi ni lông khó khăn và giải pháp”. Chương trình đã thu hút sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể, ban quản lý chợ và doanh nghiệp, nhà sản xuất kinh doanh túi thân thiện môi trường, từ đó tìm hướng giải quyết khó khăn và giải pháp khắc phục.
Đặc biệt, hội đã tổ chức Ngày hội túi xanh với gian hàng mang tên “Thông điệp xanh”; thiết kế và dán 3.500 túi giấy tặng các hộ kinh doanh tại các chợ trên địa bàn. Riêng với trung tâm chợ An Đông và chợ xã Tây thực hiện tuần lễ “Nói không với túi ni lông” với hơn 100 hộ kinh doanh các mặt hàng tham gia. Trong đợt này, tại 2 chợ đã cấp phát và vận động mua hơn 1.000kg túi ni lông thân thiện môi trường và 2.000 túi sử dụng nhiều lần. Tính đến nay, mô hình hạn chế sử dụng túi ni lông có 1.788/1.847 hộ hội viên, tiểu thương đăng ký thực hiện.
Sống xanh từ những hành động nhỏ
Khác với cuộc vận động đi chợ cũng phải thân thiện với môi trường, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 6 đã ra mắt mô hình “Câu lạc bộ Phụ nữ phân loại rác tại nhà” tại 12 phường; “Phụ nữ với Môi trường xanh”, thực hiện tuyến đường xanh, tuyến đường kiểu mẫu. Trong đó, hội đã phát động phong trào tham gia tố giác, giám sát các hành vi làm ô nhiễm môi trường, xem bảo vệ môi trường là thường xuyên, thiết thực, góp phần hình thành và phát triển một phong cách sống xanh. Với câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường” tại 14 phường, câu lạc bộ “Phụ nữ với môi trường xanh” tại 8 phường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm, đã thu hút hơn 300 thành viên tình nguyện tham gia đã tác động mạnh mẽ đến người dân, giúp thay đổi thói quen, cùng chung tay bảo vệ môi trường hệ thống kênh rạch, hạn chế tình trạng vứt rác xuống lòng kênh.
Riêng Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cần Giờ thì tổ chức trồng 10.500 cây xanh các loại tại các xã, thị trấn. Mặt khác, hội còn vận động được hơn 97% hộ gia đình có mảng xanh, tăng diện tích phủ xanh cho huyện; trên 90% hộ dân có nhà vệ sinh hợp quy cách… đã góp phần giảm thiểu được sự gia tăng ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện, hạn chế tác động xấu đến môi trường. Qua công tác tuyên truyền giúp ý thức của cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng có sự thay đổi rõ rệt. Tình trạng xả rác bừa bãi, nạn chặt phá rừng trái phép đã giảm đáng kể, các dịch bệnh không còn đe dọa đến sức khỏe người dân, tính đến nay 6 xã của huyện đã đạt chuẩn và được công nhận xã nông thôn mới.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, khẳng định, bảo vệ môi trường không phải là những việc quá lớn mà có thể bắt đầu từ việc thay đổi thói quen trong cuộc sống. Trong thời gian tới, để có thể đạt được mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, vai trò của cộng đồng là rất quan trọng. Do vậy, cùng với những giải pháp công trình như đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án kiểm soát chất lượng môi trường, cải tạo hệ thống kênh rạch, xử lý chất thải thì giải pháp tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường cũng được xem là giải pháp chiến lược. Môi trường chỉ có thể được cải thiện bền vững khi có sự chung tay của cộng đồng.
MINH XUÂN