Đi ra thế giới

Ngày hội bóng đá thế giới tại Brazil vừa kết thúc, người ta đã đặt ra câu hỏi: Bóng đá Việt Nam sẽ học được gì? World Cup đương nhiên là một trường học vĩ đại của mọi nền bóng đá chậm phát triển, tuy nhiên, vấn đề với bóng đá Việt Nam không phải là học cái gì mà là học như thế nào?

20 năm trước, cũng đã từng có một đoàn chuyên gia của Việt Nam được cử sang Singapore, Hàn Quốc để nghiên cứu về bóng đá chuyên nghiệp, bao gồm cả thị trường cá cược thể thao. Chuyến đi chỉ có vài ngày, khi về, mất đến hơn 5 năm trời người ta mới đưa ra một bản đề án phát triển bóng đá chuyên nghiệp để làm cơ sở hình thành giải bóng đá nhà nghề đầu tiên mang tên V-League hồi năm 2001. Không biết “học” ra sao nhưng việc áp dụng thì chệch hướng hoàn toàn để rồi sau hơn 1 thập niên “làm chuyên nghiệp”, giờ đây bóng đá Việt Nam lại phải chuẩn bị quá trình học làm bóng đá với người Nhật Bản.

Chọn con đường theo mô hình của Nhật Bản không có gì đáng bàn, cái đáng lo là người ta có xu hướng ngồi ở nhà, copy toàn bộ mô hình rồi áp dụng máy móc vào bóng đá Việt Nam. Ai cũng thấy bóng đá Nhật Bản phát triển mạnh mẽ ra sao, ai cũng biết World Cup đạt đến những tiêu chuẩn hoàn thiện thế nào, tuy nhiên hoàn cảnh của bóng đá Việt Nam so với thế giới có quá nhiều điểm khác biệt, không thể tiến hành việc sao chép một cách tùy tiện được. Ví dụ, một CLB chuyên nghiệp tại Nhật Bản bắt buộc phải có sự hợp tác chặt chẽ với địa phương, phải có một tập đoàn kinh tế mạnh làm chỗ dựa tài chính.

Ở Việt Nam thì ngược lại, địa phương chuyển giao đội bóng cho doanh nghiệp như kiểu “thoát nợ”, để doanh nghiệp muốn làm gì thì làm. Các doanh nghiệp làm bóng đá theo kiểu “lướt sóng”, cũng chẳng thu xếp nguồn vốn đầu tư dài hạn khi không nhận được những khoản thu cơ bản của bóng đá chuyên nghiệp. Thế nên, các CLB thiếu khả năng tồn tại một cách lâu dài, không thu hút được sự quan tâm của người hâm mộ cũng như các nhà tài trợ.

Không chỉ có bóng đá Việt Nam, nhiều môn thể thao đỉnh cao khác cũng rơi vào tình trạng đi ra thế giới theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Như mới đây, Liên đoàn Quần vợt Việt Nam tổ chức một đội tuyển sang Nga thi đấu quốc tế, nhưng trên thực tế, giải đấu đó chỉ mang tính chất hữu nghị, giữa các kiều bào ta tại Nga chứ không có giá trị cao về chuyên môn.

Ngược lại, việc tay vợt Lý Hoàng Nam tự bỏ tiền túi tham gia các giải quốc tế chính thức dành cho lứa tuổi trẻ lại không được các nhà quản lý ủng hộ, với lý do Lý Hoàng Nam không thu xếp thời gian để khoác áo đội tuyển quốc gia. Cho đến nay, đa số các VĐV Việt Nam có thành tích nổi bật đều do tự thân vận động như trường hợp Nguyễn Tiến Minh (cầu lông) hay kỳ thủ Lê Quang Liêm (cờ vua)… chứ các liên đoàn thể thao hầu như không đủ điều kiện tài chính để giúp các VĐV tập huấn liên tục thời gian dài ở nước ngoài. Cá biệt như trường hợp của VĐV bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên tập huấn thường xuyên ở Mỹ là nhờ sự đầu tư trực tiếp của ngân sách nhà nước.

Muốn phát triển trình độ, vươn đến đẳng cấp quốc tế, tốt nhất là phải mạnh dạn đi ra thế giới để học cái hay, cái hoàn thiện của người ta. Muốn làm được điều đó, trước hết phải có tiền, kế đến phải biết quý trọng những cơ hội được tham dự thi đấu quốc tế. Không thể cứ hô hào “học thế giới” mà cứ ngồi nhà sao chép máy móc những thành công rồi tự hài lòng mình đã học được nhiều điều…

ĐĂNG LINH

Tin cùng chuyên mục