Đi trong sương mù

Bộ môn futsal Việt Nam nhanh chóng tạo được tiếng vang với bạn bè thế giới thông qua giải vô địch châu Á đang diễn ra ở TPHCM. Trước đó, cuối năm ngoái, đội tuyển futsal Việt Nam còn gây sốc khi thắng nhà vô địch thế giới Brazil. Tham vọng của futsal Việt Nam là tốp 4 châu lục, thậm chí nghĩ đến chuyện đoạt vé dự World Cup. Nhưng chính người đứng đầu bộ môn này cũng thừa nhận futsal Việt Nam hầu như không có nền tảng từ con người đến các yếu tố hỗ trợ. Nên chỉ cần so với futsal của Thái Lan, cũng đã có khoảng cách xa.

Cũng trong tháng 5 này, đội tuyển bóng đá nữ của chúng ta cũng có cơ hội chạm vào giấc mơ World Cup với Vòng chung kết Asiad Cup trên sân nhà. Hơn một thập niên qua, bóng đá nữ Việt Nam đã luôn đứng vững trong tốp đầu châu lục. Thế nhưng, cũng chừng đó thời gian không hề có sự phát triển nào ở cấp CLB, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có 6 đội đá giải quốc gia trong khoảng 1 tháng, cũng chỉ vì không có nhiều cô gái muốn đi đá bóng do không nhìn thấy tương lai.

Nghịch lý chưa dừng ở đó. Từ năm 2003 đến nay, môn bóng đá nam của Việt Nam vẫn thường xuyên xếp số 1 khu vực Đông Nam Á trên bảng xếp hạng FIFA nhưng thực tế trình độ của chúng ta đã rơi ra khỏi tốp 4 khu vực từ lâu. Khi futsal và bóng đá nữ nói đến chuyện dự World Cup thì bóng đá nam lại quay về những bước đi chập chững và mông lung về chuyện đào tạo trẻ hay làm trong sạch các giải đấu nội địa. Người ta đào tạo cầu thủ mà thiếu trang bị hành vi ứng xử nên mới có chuyện cầu thủ nổi tiếng một chút, lại đi tổ chức cá độ. Hệ thống thi đấu quốc gia lại tổ chức theo hình tháp lộn ngược, khi V-League lại có số lượng CLB nhiều gần gấp đôi so với giải hạng nhất. Đã vậy, người ta hăm hở đi tìm ông HLV trưởng mà ông ta chẳng cần phải biết trước đội tuyển quốc gia nên đá theo trường phái nào, hiện trạng con người ra sao, cần vươn đến mục tiêu nào … do chưa từng có một cuộc hội thảo nghiêm túc để đánh giá toàn diện năng lực của làng cầu.

Có thể nói, bóng đá Việt Nam đang phát triển ngược, phần chân đế của nền bóng đá hỏng nghiêm trọng chẳng thấy ai chăm lo. Muốn chấm dứt tình trạng này, chỉ còn một cách là... xóa hết làm lại. Trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia từng xóa sổ giải vô địch quốc gia để tổ chức lại, Philippines thậm chí còn không cử đội U.23 đá SEA Games vì cần thời gian để đào tạo trẻ. Tiêu biểu như Thái Lan, chấp nhận mất 3 năm không có thành tích để xây dựng lại đội tuyển bóng đá nữ và cả futsal, để bây giờ cả 2 môn này của họ đều ở tốp đầu châu Á.

Cứ loay hoay tìm cách duy trì thành tích trước mắt. Cách làm đó gây lãng phí các nguồn lực xã hội nhưng không giúp nền bóng đá thoát khỏi tình trạng phát triển èo uột, luôn rơi vào trạng thái đổ vỡ từ hệ thống thi đấu đến cấu trúc phát triển. Chiến lược phát triển bóng đá đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt nhưng lại vấp phải hàng loạt trở ngại là ai sẽ tiến hành, bắt đầu ra sao, làm lại từ đâu?, khi mà các nhà quản lý bóng đá cứ loay hoay với mô hình phát triển hình tháp lộn ngược đang có.

Không thể cứ đi trong sương mù. Không thể cứ vui với thành tích “ngắt ngọn” của futsal, bóng đá nữ, hay mới đây là đội trẻ U.19. Những điều đó chỉ mới cho thấy bóng đá Việt có tiềm năng nhưng chính chúng ta lại đang lãng phí các cơ hội khi không dám dừng lại để sửa lại mô hình phát triển lộn ngược hiện nay.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục