Địa đạo Vịnh Mốc: Xẻ lòng đất để trường tồn!

Địa đạo Vịnh Mốc: Xẻ lòng đất để trường tồn!

Huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) nổi tiếng với hệ thống làng hầm, đặc biệt là địa đạo Vịnh Mốc, hình thành từ trong chiến tranh. Chúng tôi vừa gặp lại một “Kiện tướng đào địa đạo”. Đó là ông Trần Tảo ở thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh.

Cuốc thêm một lát là cứu sống một người

Địa đạo Vịnh Mốc: Xẻ lòng đất để trường tồn! ảnh 1

“Kiện tướng đào địa đạo Vịnh Mốc” Trần Tảo

Năm nay ông Tảo 77 tuổi, trông vẫn rất tráng kiện và minh mẫn. Ngôi nhà của ông nằm bên bến đò B, sông Bến Hải lịch sử. Kiện tướng đang tránh nắng ở gốc cây dừa ngoài ngõ, xởi lởi mời tôi vào nhà. Cụ bà Lê Thị Tính, vợ ông Tảo hỏi tôi đến có chuyện gì? Ông Tảo cười tươi, bảo: “Chuyện đào địa đạo đó mà!”. Bà Tính nhoẻn miệng cười theo, bảo: “Có gì to tát mà cháu quan tâm. Thời buổi chiến tranh, mình không sợ chết nhưng tức thằng Mỹ nó láo. Đào địa đạo là cách đánh hay, bắt nó phải sợ, phải khuất phục mình”.

Ông Tảo kể rành rọt: Tui nhập ngũ năm 1962, là công an vũ trang Đồn 140, đóng tại xã Vĩnh Thạch. Tháng 6 năm 1966, bắt đầu đào địa đạo Vịnh Mốc, dân đào riêng, Công an đào riêng. Về phía Công an lúc đầu có 7 tổ, mỗi tổ 3 người, chia ra 2 quãng thời gian đêm và ngày. Trong đó, đêm có 6 tổ đào, còn ngày chỉ có 1 tổ do sợ máy bay Mỹ phát hiện. Nhưng về sau, nó thả bom ác liệt quá, từ 6 tổ đào ban đêm rút xuống còn 2 tổ, tổ ban ngày thì vẫn giữ nguyên. Ngày đầu, tui với 2 đồng chí Bùi Văn Đáo, quê ở Vĩnh Thái (Vĩnh Linh) và Nguyễn Văn Dĩ, quê ở Hà Tĩnh đào được 3,2m chiều dài, rộng từ 0,9m-1,2m, cao 1,6m-1,8m.

Ngày thứ 2 đào được 4,8m chiều dài, cao và rộng tương tự. Đến ngày thứ 3, tổ của tui lập kỷ lục, đào đến 6,9m chiều dài. Từ đó đến suốt gần 2 năm sau, ngày nào cũng đào chừng đó mét hầm, không ai đua kịp! Anh em trong đơn vị phong cho chúng tôi là những “Kiện tướng đào địa đạo”. Nói cho sòng phẳng, nhờ vào sức khỏe chỉ một phần, cái chính là tinh thần và nghị lực, ráng cuốc được một lát là cứu sống được một người! Ông Tảo cho biết thêm, cứ khoảng 10m-12m thì phải đào một cái hố lớn, vừa kéo đất lên, vừa làm lỗ thông hơi. Anh em dùng xe cút kít, chở đất ra đổ dọc bờ biển Vĩnh Thạch, cách đó chừng 1 cây số. Đổ như vậy là để thủy triều xóa dấu vết, tránh bị máy bay Mỹ phát hiện. Những lúc sóng êm, đất không trôi đi được, anh em phải mò mẫm suốt đêm, đào cát biển phủ lên lớp đất đỏ bazan để ngụy trang…

Ông Tảo chợt ngưng câu chuyện. Khuôn mặt rúm những nếp nhăn. Bà Tính trộm nhìn ông lão, nói: “Ông nó lại nhớ đồng đội rồi!”. Ông Tảo lắp bắp: “Hơn 30 năm còn gì, thịt xương chắc đã biến thành cát bụi”. Trong ký ức buồn của ông là 2 chiến sĩ cùng tổ đào địa đạo. Giữa năm 1968, khi sắp hoàn thành những mét địa đạo cuối cùng, các chiến sĩ Bùi Văn Đáo, Nguyễn Văn Dĩ đã anh dũng hy sinh. Sau loạt B52 đánh phá dữ dội, đồng đội tìm thấy thi thể các anh vùi sâu dưới lớp đất, trong tư thế gập người về phía trước, tay vẫn nắm chặt 2 càng xe cút kít và chiếc cuốc chim…

Tiếp bước cha anh

Địa đạo Vịnh Mốc: Xẻ lòng đất để trường tồn! ảnh 2

Du khách tham quan địa đạo Vịnh Mốc

Tháng 9, đông đúc du khách tham quan địa đạo Vịnh Mốc. Chị Lê Thị Tố Hoài, Trưởng ban quản lý di tích địa đạo Vịnh Mốc cho biết, di tích mở cửa đón khách từ năm 1983, đến năm 1996, do một số hạng mục xuống cấp nên Trung ương đã chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí trùng tu và tôn tạo. Ban quản lý đã xây dựng trục đường chính từ khu đón tiếp đến cửa địa đạo dài gần 1km và hàng km đường nhánh tỏa đi trong khuôn viên bằng đá chẻ màu xanh, hình dáng con đường gấp khúc, nhằm thể hiện một phần cấu trúc của hệ thống làng hầm Vĩnh Linh.

Đồng thời, trồng hàng chục ngàn cây xanh trên khuôn viên, trong đó chủ yếu là cây tre với đủ loại như hóp, luồng luồng, tre vàng, trúc phật bà, tre tầm vông, tre le le… Ý nghĩa của cách làm này nhằm thể hiện sự yên bình của làng quê Việt Nam, giúp du khách - nhất là khách nước ngoài - hiểu hơn về nét đẹp văn hóa và sự yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Tôi hỏi chị Hoài: “Công tác ở một di tích lịch sử nổi tiếng cả trong và ngoài nước như thế này, chị tâm đắc điều gì nhất?”. “Có rất nhiều, nhưng cứ mỗi lần gặp khách nước ngoài hỏi về địa đạo Vịnh Mốc, tôi thường nói thế này: Đã có những năm tháng, dân tộc chúng tôi phải xẻ lòng đất để sinh sống, để đánh trả kẻ thù mạnh vào bậc nhất thế giới. Không một nỗi khổ nào có thể sánh với nỗi khổ này, nhưng chúng tôi đã không chịu khuất phục, mà còn chỉ ra cho kẻ thù thấy rằng chân lý luôn thuộc về lẽ phải”.

Công tác ở Ban quản lý di tích địa đạo Vịnh Mốc gồm 9 cán bộ, công nhân viên. Có một điểm chung, phần lớn họ đều là con của những người từng vào sinh ra tử ở trên chính mảnh đất này. Trong đó, chị Lê Thị Tố Hoài là con của chiến sĩ Công an vũ trang Đồn 140 năm xưa. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Bảo tồn bảo tàng Đà Nẵng, chị Hoài trở về quê hương công tác tại Ban quản lý di tích địa đạo Vịnh Mốc. Đó không chỉ là tâm nguyện của người cha, mà còn là tâm nguyện của chính chị muốn nói với bạn bè năm châu về lịch sử của dân tộc mình, một dân tộc không chịu khuất phục bởi bất kỳ kẻ thù bạo tàn nào.

PHAN HÀ LINH

Tin cùng chuyên mục