Sau hơn 9 tháng tạm yên ắng thì ngay trong tháng đầu tiên của năm mới 2014, dịch cúm gia cầm và cúm A/H5N1 trên người lại trỗi dậy với những diễn biến phức tạp và nguy hiểm. Hai tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp đã ghi nhận 2 người thiệt mạng do nhiễm virus cúm nguy hiểm từ gia cầm - A/H5N1, trong khi không ít ca nghi nhiễm xuất hiện ở một số địa phương khác.
Tại nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực, rất nhiều chủng virus cúm nguy hiểm khác nhau như: H7N9, H10N8, H5N1, H5N2, H6N1... đang xảy ra cả trên người và động vật với diễn biến rất phức tạp. Nguy hiểm hơn, các loại virus cúm H7N9 hay H10N8 bùng phát mạnh mẽ ở Trung Quốc đang từng giờ, từng phút rình rập, xâm nhập vào nước ta với nguy cơ rất cao. Đáng lo hơn, trong khi nhiều bộ, ngành chức năng như: y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh thì không ít địa phương và người dân vẫn rất chủ quan, coi thường, bất chấp sự nguy hiểm của dịch cúm và nhiều dịch bệnh khác.
Tình trạng nhập lậu, mua bán, vận chuyển, giết mổ và sử dụng gia cầm, thủy cầm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch, thậm chí là gia cầm ốm, chết vẫn diễn ra tại nhiều tỉnh thành dù cơ quan chức năng và báo chí không ngừng tuyên truyền, cảnh báo các mối nguy hiểm, nguy cơ lây lan của virus cúm gia cầm sang người. Mặc dù cho tới thời điểm này, virus cúm gia cầm chưa có nhiều sự biến đổi và không lây lan từ người sang người. Tuy nhiên, các nhà khoa học và chuyên gia dịch tễ đã liên tục cảnh báo về nguy cơ các chủng virus cúm kết hợp, biến chủng thành loại virus mới có độc lực cao, nguy hiểm hơn đối với cộng đồng là điều có thể xảy ra nếu như chúng ta vẫn lơ là chủ quan.
Để chủ động ngăn chặn các chủng virus cúm gia cầm mới, độc lực cao xâm nhập và lây lan vào Việt Nam, hạn chế thấp nhất virus lây nhiễm và gây tử vong cho người, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện hỏa tốc yêu cầu các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nghiêm chỉ đạo về việc phòng chống dịch cúm gia cầm H7N9, H5N1. Tăng cường ngăn chặn vận chuyển trái phép gia cầm, thực phẩm, phụ gia thực phẩm qua biên giới. Đặc biệt tập trung chỉ đạo, phối hợp để triển khai thực hiện có hiệu quả “Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép”. Đồng thời chủ động bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động phòng chống dịch cúm gia cầm nói chung và cho các hoạt động bắt giữ, tiêu hủy gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu. Cung cấp đầy đủ phương tiện và bảo hộ cá nhân cho lực lượng tham gia trực tiếp công tác phòng chống dịch.
Rõ ràng dịch bệnh nguy hiểm không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người dân mà còn tác động tiêu cực tới đời sống kinh tế- xã hội, làm ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước. Không thể chậm trễ hơn nữa, các bộ, ngành chức năng cùng với tất cả địa phương trong cả nước cần tập trung nhiều biện pháp quyết liệt với trách nhiệm cao hơn trong phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm trên người nói riêng và dịch bệnh nói chung. Trong đó, cần kiên quyết làm rõ và xử lý thật nghiêm đối với bất kỳ cá nhân, địa phương, cơ quan, đơn vị nào lơ là chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, bản thân mỗi người dân phải nêu cao trách nhiệm trong việc phòng chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm các khuyến cáo của cơ quan chức năng, chủ động ngăn ngừa, bảo vệ sức khỏe của bản thân mình, gia đình và cộng đồng.
KHÁNH NGUYỄN