Điểm nghẽn liên kết phát triển

Tại một hội nghị bàn về “Du lịch có trách nhiệm”, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn trong bài phát biểu đã đặt mục tiêu kỳ vọng: Năm 2015, Việt Nam phấn đấu đón từ 7 - 7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt 10 - 11 tỷ USD. Năm 2020, Việt Nam sẽ đón được 10 - 10,5 triệu lượt khách quốc tế, với tổng thu đạt 18 - 19 tỷ USD…

Kết thúc năm 2013, ngành du lịch đã hân hoan đón 7,57 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng 10,6% so với năm 2012. Tổng cục Du lịch thông báo: “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2015 đã cán đích trước 2 năm!”. Năm 2014, dù là thời kỳ diễn ra nhiều sự kiện chính trị, kinh tế ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, nhưng du lịch Việt vẫn đạt mức tăng trưởng 4%, với tổng lượng khách đến hơn 7,87 triệu lượt! Có nghĩa là chúng ta tiếp tục “cán đích” và vượt đích trước nhiều năm!

Xét về doanh thu, nếu so mục tiêu tổng thu từ du lịch phải đạt 10 - 11 tỷ USD (tương đương 240.000 tỷ đồng) năm 2015, thì kết thúc năm 2014, du lịch Việt Nam lại tăng trưởng ngoạn mục! Số liệu từ Tổng cục Thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống và du lịch năm 2014 đạt hơn 381.000 tỷ đồng! Chỉ nhìn từ góc độ này, có lẽ chưa có gì phải lo lắng. Bởi thế nên tình hình lượng khách quốc tế đến trong 4 tháng đầu năm 2015 liên tục sụt giảm 2 con số, các cơ quan quản lý du lịch Việt Nam vẫn chưa thấy động tĩnh gì ngoài tiếp tục tổ chức các đợt xúc tiến du lịch định kỳ như mọi năm!

Giải thích với báo chí về nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam 3 tháng đầu năm liên tục giảm, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho rằng có 2 lý do: Đó là do 3 tháng đầu năm 2014, chúng ta tăng trưởng rất ấn tượng, với 35%; hai là, 2 thị trường quan trọng nhất là Trung Quốc (chiếm 25% thị phần), Nga (5% thị phần) đang sụt giảm mạnh (Trung Quốc giảm 40% lượng khách và Nga giảm 27%). Sự sụt giảm này kéo theo sự sụt giảm chung của du lịch Việt Nam, mặc dù những thị trường khác vẫn tăng trưởng tương đối tích cực. Có thể dư luận không hài lòng về lời giải thích này, nếu giảm là do tăng trưởng nóng trước đây, giờ hết “nóng” thì “nguội”? Và vì nguội nên giảm?

Dường như từ góc độ quản lý, các nhà quản lý du lịch Việt Nam chưa thấy hết sự nóng lòng của doanh nghiệp (DN). Thật ra, ngành du lịch ở hai đầu cầu có những phân khúc khách khác biệt. Các DN phía Bắc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường khách du lịch đường biên (Trung Quốc); bởi thế giống như tình hình xuất khẩu nông sản, thị trường này ấm lạnh là kinh doanh của DN Việt cũng nóng lạnh theo. Điều này đã được dự báo từ nhiều năm trước khi mà khách Trung Quốc luôn chiếm từ 26% - 30% trong tổng lượng khách quốc tế. Trong khi các DN phía Nam lại mạnh về thị trường khách Nhật, châu Âu, Nga.

Diễn biến thị trường đang chuyển động rất nhanh. Theo các DN, có thể điểm lại những khó khăn đang làm tắc dòng chảy tăng trưởng. Một là, sự mất giá của đồng eur, đồng yên Nhật, đồng rúp Nga so với USD, khiến giá tour du lịch Việt Nam chào bán ở các thị trường này trở nên đắt đỏ. Hai là, thói quen dựa dẫm vào thị trường Trung Quốc, lâu nay ít đầu tư mở rộng thị trường mới. Ba là, khủng hoảng kinh tế nhiều năm qua đã khiến sự cạnh tranh trên thị trường du lịch thế giới gay gắt hơn. Thời nay, từ dân châu Âu đến người Nhật vốn rộng hầu bao… đều thay đổi xu hướng tiêu dùng, họ chọn tour giảm giá, tour khuyến mãi thay vì đặt tour cao cấp chất lượng 5 sao như trước đây. Thái Lan, Singapore, Malaysia… - những cứ địa du lịch châu Á - đã nhanh chóng tiếp cận xu hướng này với hàng loạt tour kích cầu. Đại gia du lịch Mỹ cũng vào cuộc, bởi thế thị trường Việt Nam liên tục đón làn sóng quảng cáo: du lịch Mỹ giá chưa tới 40 triệu đồng! Chỉ riêng du lịch Việt… đứng im! Phải chăng cơ quan quản lý du lịch Việt không cần chuyển động theo thời cuộc.

Giám đốc một DN du lịch tiếc rẻ: Chỉ nhìn làn sóng giảm giá từ các nước đang kéo du khách Việt đi du lịch ồ ạt, trong khi chúng ta biết cách làm, có thể làm nhưng lại không thể làm gì để kéo du khách quốc tế đến. Việc cấp bách phải làm ngay là một chương trình bắt tay liên kết giữa “3 nhà”: nhà lữ hành - nhà vận chuyển (hàng không/các hãng xe) - nhà cung ứng dịch vụ (khách sạn, nhà hàng, khu du lịch) để tạo ra một làn sóng tour khuyến mãi lớn kích cầu du khách quốc tế đi tour trọn gói đến Việt Nam. Nhưng ai sẽ là cầu nối? Sự chuyển động này rất cần sự liên kết tận lực từ các cấp chính quyền, từ Tổng cục Du lịch, vấn đề là DN đã sẵn sàng nhưng chiếc cầu nối ở đâu?

Mỗi năm dù nghèo Việt Nam vẫn dành ra 1,5 triệu USD cho kinh phí xúc tiến du lịch. Chưa kể một khoản không nhỏ từ ngân sách các chính quyền địa phương. Một con số ít ỏi so với các cường quốc du lịch như Thái Lan, Malaysia, Singapore… Dù vậy, nếu ngay bây giờ điều chỉnh kế hoạch xúc tiến, bớt đi những lễ hội du lịch hoành tránh, tốn kém; cắt đi những chương trình ra nước ngoài tham dự các hội chợ du lịch nhỏ, lẻ; chuyển nguồn vốn này thành những nguồn hỗ trợ DN giảm giá tour kéo khách quốc tế đến - lợi ích mang lại cho du lịch quốc gia chắc chắn sẽ nhiều hơn.

SONG ĐĂNG

Tin cùng chuyên mục