Bất ngờ là điều người ta lý giải cho những diễn biến ngoài dự đoán ở vòng knock-out, nhưng có lẽ kết quả những trận đấu ở vòng 16 đội EURO 2016 không hoàn toàn là bất ngờ mà tuân theo những quy luật bất biến của bóng đá.
Thực tế là 8 trận đấu ở vòng 16 đội diễn ra theo những cách trùng lắp. Nó có thể là trận chiến chênh lệch như Đức thắng Slovakia 3-0 và Bỉ thắng Hungary 4-0; nó cũng có thể căng thẳng đến độ phải đưa nhau vào hiệp phụ như Thụy Sĩ thua Ba Lan 4-5 trong sút luân lưu, hay Bồ Đào Nha thắng Croatia đúng 1 bàn trong hiệp phụ. Thậm chí nó có thể gay go một cách đáng ngạc nhiên như Xứ Gan thắng Bắc Ailen 1-0 hay Italia quật ngã Tây Ban Nha 2 bàn trắng. Cuối cùng, nó có thể kích động như những cuộc lội ngược dòng của Pháp trước CH Ailen và của Iceland trước tuyển Anh, đều cùng với tỷ số 2-1.
Harry Kane (phải, tuyển Anh) không vượt qua nổi Iceland.
Điều gì làm nên chiến thắng của những đội chơi không mấy tốt ở vòng bảng và điều gì khiến những đội dẫn đầu vòng ngoài sụp đổ nhanh chóng ở vòng knock-out. Câu trả lời có thể nằm ở… điểm rơi thể lực. Những đội mạnh luôn đặt cho mình điểm rơi thể lực ở vòng knock-out với tham vọng đi đến trận cuối cùng. Ngược lại. những đội yếu hay những tân binh sẵn lòng tung toàn bộ sức lực ngay trận đầu để giành ít nhất 1 điểm. Đấy là câu chuyện của Hungary và chẳng ai ngạc nhiên khi họ thua Bỉ dễ dàng, một trận thua không chỉ vì đẳng cấp mà còn vì tình trạng thể lực không còn sung mãn như trước.
Xứ Gan cũng gặp rắc rối về thể lực sau khi đã tung quá nhiều sức cho trận chiến vòng bảng và giới chuyên môn tin rằng họ sẽ càng lúc càng lụi đi chứ không thể sung lên như trước.
Thể lực hiển hiện rõ ràng trong trận Pháp - CH Ailen khi trợ lý HLV Roy Keane quả quyết là đội hết “pin” ở hiệp 2 chỉ vì gắng sức thắng Italia ở vòng ngoài và chỉ có 4 ngày để hồi phục so với 7 ngày của tuyển Pháp.
Thất bại của Tây Ban Nha sẽ còn được mổ xẻ rất nhiều, nhưng ngoài việc Italia sung mãn hơn khi Antonio Conte cho gần cả đội hình nghỉ trận cuối vòng bảng, còn Del Bosque cứ nhất mực giữ nguyên các trụ cột trong cả 3 trận. Thống kê của UEFA cho thấy tiền vệ Giaccherini chạy đến 12,97km trong 90 phút – nhiều nhất từ đầu giải – tức là nhiều hơn các cầu thủ Tây Ban Nha đến 2,5km. Tây Ban Nha không còn sức bật trong hiệp 2 phần nào cũng vì họ có quá ít thời gian hồi phục sau một mùa giải dài, nơi các ngôi sao trụ cột của La Roja đắm mình trong đấu trường Champions League đến tận cuối tháng 5.
Đối với tuyển Anh, sai lầm của Roy Hodgson chắc chắn là điểm rơi thể lực bởi nếu bạn từng ngạc nhiên khi thấy Raheem Sterling, Kyle Walker, Dele Ally chạy như điên dại trong suốt trận đầu với Nga (tính ra, toàn đội vượt qua quãng đường 110,8km), thì sẽ rất thất vọng khi thấy họ dật dờ trong trận cuối với Iceland vì chỉ chạy đúng 105,2 km, tức là ít hơn Iceland 4 km.
Tuyển Anh đá đã không hay, chiến thuật không giỏi lại chạy ít hơn đối thủ thì thua là điều tất yếu!
NHẬT TÂN