Việc Công ty cổ phần Vinamit nhận giải thưởng “Doanh nghiệp ASEAN xuất sắc nhất tại thị trường Trung Quốc” của Hội đồng Thương mại Trung Quốc - ASEAN trao tặng tại Bắc Kinh tuần qua và Chủ tịch Vinamit, ông Nguyễn Lâm Viên, được vinh danh là “Doanh nhân dẫn đầu của ASEAN kinh doanh tại Trung Quốc” được nhiều người trong giới vui mừng. Đây là thị trường gần với Việt Nam và với dân số hơn 1,3 tỷ người cho thấy tiềm năng rất lớn nếu biết khai thác bài bản và chuyên nghiệp.
Năm 2013, một trong những ấn tượng về xuất khẩu nông sản là việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp sang Trung Quốc. Đây cũng là thị trường “cứu cánh” cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam, đặc biệt là gạo. Ngay cả mặt hàng đường, bị tồn kho lớn do đường lậu từ Thái Lan, nhờ được xuất qua Trung Quốc từ cửa khẩu tỉnh Lào Cai giúp doanh nghiệp (DN) đường phần nào gỡ khó.
Trong khi đó, cao su, nhân điều, cà phê, đồ gỗ chế biến, sắn, rau quả, đặc biệt là thanh long cũng chiếm tỷ lệ lớn ở thị trường này. Trung Quốc là thị trường chiếm gần 34% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam, con số này năm 2004 khi Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc có hiệu lực là 10%.
Thế nhưng, hạn chế lớn nhất của giao thương giữa Việt Nam với Trung Quốc là buôn bán qua đường biên giới mà phần bất lợi luôn về phía DN Việt Nam. Khi cần hàng, doanh nhân Trung Quốc sẵn sàng mua giá cao, nhưng khi gần đủ nhu cầu, họ đột ngột ngưng mua, hàng ứ đọng ở cửa khẩu, ép giảm giá để mua lại với giá thấp. Đó là chưa kể tình trạng quỵt nợ sau vài lần mua bán trả tiền sòng phẳng nên luôn tiềm ẩn nguy cơ.
Do đó, buôn bán chính ngạch là định hướng lâu dài và an toàn, tất nhiên thương mại biên giới là tập quán quốc tế và phát triển do điều kiện thuận lợi về địa lý, vận chuyển. Thế nhưng, chưa có nhiều nông sản, nhất là sản phẩm đã qua chế biến sâu được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Một trong những thế mạnh của Vinamit là xuất khẩu hàng chính ngạch sang Trung Quốc với giá trị gia tăng cao chế biến từ nông sản Việt phù hợp với yêu cầu Hội đồng xét duyệt là kinh doanh lâu năm tại Trung Quốc, có kế hoạch phát triển dài hạn tại thị trường này thông qua việc đầu tư mở rộng DN, đóng thuế tại địa phương cũng như phát triển hệ thống phân phối.
Nhiều năm qua Công ty cổ phần Vinamit xác định Trung Quốc là thị trường lớn cho các sản phẩm chế biến sâu nên đã mở công ty, văn phòng đại diện và hình thành hệ thống phân phối tại nhiều tỉnh thành của Trung Quốc. Sau hơn 3 năm theo đuổi, Vinamit đã được tòa án Trung Quốc xử thắng vụ kiện bị DN sở tại “sử dụng thủ đoạn bất chính tranh giành đăng ký các thương hiệu đã có tiếng tăm nhất định của người khác”. Điều đó cho thấy, để trụ được ở thị trường này và phát triển, đòi hỏi phải biết rõ luật lệ để đối phó với nhiều thủ đoạn cạnh tranh khắc nghiệt. T
heo ông Nguyễn Lâm Viên, việc nhà nước Trung Quốc nhìn nhận những đóng góp của Vinamit chứng tỏ cơ hội lớn cho cộng đồng DN Việt Nam khi tham gia thị trường đông dân nhất thế giới này. Có thể nói, đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh năm 2015, các thỏa thuận thương mại tự do giữa các quốc gia chính thức có hiệu lực, đưa DN Việt Nam vào cuộc cạnh tranh rộng lớn hơn và đa chiều hơn với toàn khối ASEAN + 1.
ĐĂNG LÃM