Thành phố Hồ Chí Minh - địa phương đầu tiên trong cả nước khởi xướng chương trình xóa đói, giảm nghèo cách đây 23 năm, đến nay trải qua 4 giai đoạn với 8 lần điều chỉnh nâng mức chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thành công của chương trình “ý Đảng, lòng dân” này xuất phát từ truyền thống gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân, nên trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng bộ TPHCM xác định đây là chủ trương có tính đột phá và sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố theo hướng có chất lượng sống tốt, bền vững, văn minh, hiện đại và nghĩa tình.
Chương trình không chỉ giải quyết vấn đề dân sinh mà còn có giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ nét qua việc khơi dậy, phát huy truyền thống tốt đẹp của người dân TP, đó là tấm lòng nhân ái, tinh thần đùm bọc lẫn nhau, “tình làng, nghĩa xóm”, “lá lành đùm lá rách”. Từ đó phát huy sức mạnh nội lực của cộng đồng và toàn xã hội, tạo thành phong trào hành động cách mạng sôi nổi và rộng khắp, đồng thuận chung tay góp sức chăm lo cho dân nghèo, hỗ trợ đỡ đần, cưu mang những mảnh đời khó khăn trong cuộc sống; hình thành được các mô hình giảm nghèo lấy sức dân để chăm lo cho dân, đặc biệt là làm cho mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và nhân dân ngày càng thêm gắn bó, thực hiện tư tưởng chăm lo cho dân nghèo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong 5 năm qua (2010 - 2015), chương trình “giảm hộ nghèo, tăng hộ khá” ở TP thu được nhiều kết quả nổi bật, thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng chung tay góp sức hỗ trợ người nghèo và hộ cận nghèo vượt nghèo. Riêng năm 2015, TPHCM tập trung rà soát từng hộ nghèo, hộ cận nghèo, phân loại theo từng nhóm đối tượng để có giải pháp hỗ trợ phù hợp; tiếp tục huy động và sử dụng hợp lý các nguồn vốn; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở, vệ sinh môi trường, trợ giúp pháp lý và các chính sách an sinh xã hội cho người nghèo…
TPHCM lồng ghép chương trình giảm nghèo với hoạt động của các tổ giảm nghèo tự quản, hướng nghiệp cho người nghèo, cho vay vốn tự tạo việc làm, phát triển kinh tế kết hợp với các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ quốc gia về việc làm, Quỹ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi, nguồn tín dụng của các đoàn thể. Đồng thời, TP mở rộng chính sách hỗ trợ an sinh xã hội giúp người nghèo an tâm, ổn định cuộc sống.
So với người nghèo ở nội thành, người nghèo ở ngoại thành có cuộc sống vất vả hơn, có mức thu nhập và mức sống thấp hơn. Để thu hẹp khoảng cách nghèo giữa hai khu vực này, TP tập trung giảm nghèo ở các xã còn nhiều khó khăn, nhất là những xã đặc biệt khó khăn bằng việc đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới. TP coi xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và xem đây là giải pháp chủ yếu, quan trọng và có tính chiến lược lâu dài, làm cơ sở vững chắc giúp người nghèo vượt nghèo nhanh hơn và vững chắc hơn. Đây cũng là điểm sáng nổi bật của TPHCM trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2010 - 2015. Qua 5 năm thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ nguồn lực của cộng đồng dân cư nông thôn, tái cơ cấu lao động ngay trên địa bàn nông thôn, giúp lao động nông thôn ly nông nhưng không ly hương, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và giúp cho nhiều xã sớm hoàn thành xây dựng 19 tiêu chí nông thôn mới; trong đó 3 huyện Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè của TPHCM được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Người dân các xã nông thôn mới ở TPHCM giờ đây cảm nhận rõ hơn ai hết những lợi ích thiết thực từ các công trình phục vụ dân sinh, từ cơ sở hạ tầng, điều kiện sinh hoạt đến hưởng lợi trực tiếp từ việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. “Nước lên, thuyền lên”, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, hộ nghèo giảm đi, hộ cận nghèo chuyển sang hộ khá. Nhiều hộ sau khi thoát nghèo, có điều kiện làm ăn khá giả, quay sang giúp đỡ những người nghèo khác trên tinh thần “tình làng, nghĩa xóm”, qua đó củng cố tình đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân cư. Theo tính toán của các chuyên gia, khoảng cách thu nhập giữa nội thành và ngoại thành ở TPHCM ngày càng được thu hẹp. Năm 2008 (năm đầu tiên thực hiện chương trình phát triển về nông nghiệp, nông dân, nông thôn), mức thu nhập bình quân đầu người ở nội thành là 2,359 triệu đồng/người/tháng - cao gấp 1,8 lần so với ở nông thôn. Nhưng đến năm 2010, mức thu nhập này chỉ còn cao gấp 1,5 lần và đến cuối năm 2014 chỉ còn cao gấp 1,2 lần.
TUẤN SƠN