Năm 2012 đã đi qua với bao sóng gió, thác ghềnh ập vào nền kinh tế Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Tuy nhiên, bước sang năm mới 2013, tình cảnh cũng chưa mấy sáng sủa cho các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Suy giảm kinh tế toàn cầu chưa có dấu hiệu phục hồi vẫn ảnh hưởng từ vĩ mô đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế nước ta. Bằng rất nhiều giải pháp của Chính phủ và nỗ lực của các ngành, lạm phát đã bước đầu được kiềm chế, song chưa ổn định.
Tỷ lệ hối đoái được giữ vững trong suốt năm qua, nhưng những biến động mới của ngành ngân hàng - đang trong quá trình tái cơ cấu toàn bộ hệ thống - có thể làm cho những nỗ lực duy trì giá trị đồng bản tệ ảnh hưởng xấu trong thời gian tới. Nợ xấu hàng trăm ngàn tỷ đồng đến nay vẫn chưa tìm được loại thuốc hiệu nghiệm làm tan “cục máu đông” đó. Sản xuất có thể tiếp tục bị ngưng trệ do hàng tồn kho chồng chất. CPI lúc tăng lúc giảm như con ngựa bất kham chứ không phải do chủ động khống chế ở mức lành mạnh…
Trong bối cảnh đầy rẫy khó khăn ấy, các doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế vẫn phải tiếp tục tìm cách để phát triển, vượt qua mọi bão táp để tiến lên. Đó là đòi hỏi tất yếu cho sự tồn vong của doanh nghiệp, là mệnh lệnh của cuộc sống. Tuy nhiên, trong trạng thái chới với không trọng lực, các doanh nghiệp rất cần có điểm tựa để định vị, giữ thăng bằng và bật lên đúng hướng.
Một trong những điểm tựa rất quan trọng là hệ thống chính sách của nhà nước để có thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong cảnh túng quẫn, rất nhiều doanh nghiệp đang thiếu vốn để tái sản xuất, đứng bên bờ vực phá sản. Con số ấy riêng ở TPHCM là cả chục ngàn. Các doanh nghiệp này đang mong tìm được nguồn vốn vay với lãi suất thấp từ các quỹ hỗ trợ của nhà nước, ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng để có thể tiếp tục sản xuất, vượt qua cơn bĩ cực đã hoành hành suốt năm qua.
Một trong những yếu tố căn cơ có thể thúc đẩy sản xuất trong tình hình hiện nay là các giải pháp để kích cầu tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho - cũng là giải phóng sức sản xuất. Muốn làm được điều này, ngoài việc doanh nghiệp phải hạ giá sản phẩm, rất cần hình thành một hệ thống phân phối và tiêu thụ sản phẩm, trong đó nhà nước với vai trò là người tổ chức mạng lưới đưa hàng hóa đến người tiêu dùng, nhất là những khu vực thiếu thốn, vùng sâu, vùng xa.
Riêng đối với những hàng hóa đặc biệt - như bất động sản chẳng hạn - ngoài việc cho phép doanh nghiệp điều chỉnh hình thức cấu tạo sản phẩm, rất cần nhà nước kích cầu, hỗ trợ người tiêu dùng – những người có nhu cầu thực sự - bằng chính sách cho vay dài hạn với lãi suất thấp hoặc bằng không để họ có thể tham gia làm nóng lên một thị trường đã đóng băng gần chục năm nay.
Tuy nhiên, điểm tựa có ý nghĩa quyết định nhất là phát huy nội lực của chính doanh nghiệp. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh của mình. Trước hết phải nhanh chóng giải phóng hàng tồn kho của mình bằng cách hạ giá bán sản phẩm đến mức doanh nghiệp và xã hội cùng có thể chấp nhận được, kịp thời thu hồi vốn để quay vòng sản xuất.
Mặt khác, doanh nghiệp phải điều chỉnh cơ cấu, chủng loại và đa dạng hóa sản phẩm sao cho phù hợp với nhu cầu muôn màu của xã hội. Để giảm giá thành sản phẩm, doanh nghiệp phải tìm mọi cách giảm chi phí sản xuất kinh doanh, thay đổi công nghệ và ứng dụng kỹ thuật mới. Để tiêu thụ nhanh sản phẩm, doanh nghiệp không thể chỉ trông chờ vào hệ thống phân phối của nhà nước mà phải có hệ thống bán hàng riêng của mình, đặc biệt là hình thành mạng lưới liên kết các nhà sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ, bao tiêu và đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Đây là mô hình đã được thử nghiệm khá thành công, nhất là đối với lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tiêu dùng trong nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ…
Với những điểm tựa vững vàng, hy vọng năm 2013 các doanh nghiệp sẽ vượt qua những khó khăn đang hiển hiện trước mắt.
PH. LỘC