Điểm tựa và đòn bẩy

Trong quá trình phát triển trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa và xã hội lớn nhất cả nước, TPHCM phải gánh chịu vô vàn sức ép. Trong đó, việc phát triển hạ tầng giao thông là một trong những sức ép lớn nhất.

Cách đây hơn 35 năm, cơ sở hạ tầng giao thông của Sài Gòn xưa và sau này là thành phố Hồ Chí Minh chỉ có thể đáp ứng cho hoạt động kinh tế - xã hội của khoảng hơn 2 triệu dân. Nhưng đến nay, TPHCM có khoảng gần 10 triệu người làm việc và sinh sống - gấp 5 lần trước đây! Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực từ chính quyền thành phố và các ban ngành trong việc đầu tư xây dựng đường sá, cầu cống và các cơ sở hạ tầng khác song vẫn không thỏa mãn nhu cầu của xã hội. Kẹt xe trầm trọng gây bức xúc cho toàn xã hội và làm nản lòng các nhà đầu tư. Có nhiều nguyên nhân nhưng thiếu vốn để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh vẫn được coi là lý do chính.

Theo các chuyên gia, khi dân số tăng theo cấp số cộng thì đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông phải tăng theo cấp số nhân mới đảm bảo sự phát triển bình thường. Chính vì vậy, con số ước tính 3 tỷ USD mà TPHCM cần cho mỗi năm để xây dựng cơ sở hạ tầng - trong đó chủ yếu là hạ tầng giao thông - cũng chỉ đáp ứng cho nhu cầu hiện tại, giải tỏa một phần áp lực hàng ngày đè nặng lên hoạt động kinh tế xã hội của thành phố, chứ chưa đáp ứng cho sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Đất đai vốn không thể sinh sôi nảy nở nhưng để giao thông thông suốt phải có thật nhiều đường - tức chiếm dụng thêm nhiều đất vốn đã rất chật chội, lại phát sinh nhiều vấn đề xã hội trong giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng… Do đó không chỉ có nâng cấp và hoàn thiện những đường hiện hữu mà phải có nhiều đường dưới lòng đất và nhiều tuyến đường trên đường (đường nhiều tầng). Nhưng để có được hệ thống giao thông ấy phải cần rất nhiều vốn, hàng trăm tỷ USD. Trong khi TPHCM chỉ có thể dành được vài ba tỷ mỗi năm, số tiền còn lại lấy đâu ra và bằng cách nào? Đó là câu hỏi khó cho các nhà lãnh đạo và quản lý của một thành phố đông dân nhất nước.

Cách đây hơn 400 năm, nhà bác học vĩ đại của nhân loại Isaac Newton đã nêu một hình tượng thú vị về tác dụng của chiếc đòn bẩy: Nếu cho tôi một điểm tựa, tôi có thể bẩy tung Trái đất lên. Trong trăm mối tơ vò để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của TPHCM, suy ngẫm từ luận điểm của nhà bác học Isaac Newton, chúng ta có thể đã có đòn bẩy, đó là chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông, thu hút mọi nguồn lực của xã hội (cá nhân và tổ chức, trong và ngoài nước). Song vẫn còn thiếu một điểm tựa để giải quyết những khó khăn đang chồng chất. Đó là thiếu cơ chế chính sách, các quy định cụ thể và hợp lý để chủ trương xã hội hóa đầu tư biến thành hiện thực.

Một số văn bản quy định về phát triển giao thông đô thị đã được ban hành song không còn phù hợp với thực tiễn vốn luôn biến động nhưng chưa được sửa đổi… Đó là những rào cản, làm cho điểm tựa không còn tác dụng để bẩy hệ thống giao thông của TPHCM phát triển đáp ứng yêu cầu của một thành phố văn minh, hiện đại.

Đến bao giờ điểm tựa đó trở nên vững chắc? Câu trả lời dành cho các cơ quan chức năng của trung ương và thành phố trong những năm tháng tiếp theo.

Phan Lộc

Tin cùng chuyên mục