Diễn đàn phát triển Việt Nam 2017: Cảnh báo nguy cơ tụt hậu nếu không cải thiện năng suất lao động
SGGPO
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua chủ yếu dựa vào việc gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động chi phí thấp và khai thác tài nguyên. Cách thức tăng trưởng đó đã không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay, khi tình hình thế giới và cả trong nước đã có nhiều thay đổi,...
Diễn đàn phát triển Việt Nam 2017 (VDF 2017) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức đã chính thức diễn ra vào sáng 13-12, tại Hà Nội. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư và Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione đồng chủ tọa Diễn đàn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Phiên 2 và phát biểu bế mạc Diễn đàn.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2017, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận, mà một trong số đó là cả 13 mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều có khả năng đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng tốt, đạt khoảng 6,7% trong năm nay.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua chủ yếu dựa vào việc gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động chi phí thấp và khai thác tài nguyên. Cách thức tăng trưởng đó đã không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay, khi tình hình thế giới và cả trong nước đã có nhiều thay đổi, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức.
“Trong bối cảnh đó, mô hình cũ không thể giúp chúng ta gia tăng tốc độ tăng trưởng một cách nhanh chóng và bền vững. Để nâng cao mức sống cho người dân và thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước, tăng năng suất chính là chìa khóa của tăng trưởng bền vững. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Thực tế, tăng trưởng bền vững hiện là thách thức lớn với Việt Nam, bởi tuy là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao, song tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã và đang giảm khá nhanh: từ 7,3% trong giai đoạn 1990 - 2000, xuống 6,7% (2001 - 2010) và tiếp tục giảm xuống 5,96% (2011 - 2016).
Nguy cơ tụt hậu, vì thế là có thật và nhiều lần được cảnh báo. Cơ hội thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực vì thế cũng phần nào sút giảm.
Khi các động lực tăng trưởng cũ đã dần tới hạn, khi cách thức tăng trưởng cũ (chủ yếu dựa vào việc gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động chi phí thấp và khai thác tài nguyên...) đã không còn phù hợp, thì đòn bẩy cho tăng trưởng bền vững chính là vấn đề tăng năng suất. Yếu tố tăng năng suất lao động đã đóng góp khoảng 89% tăng trưởng GDP năm 2017, cao hơn khá nhiều so với mức 66,3% giai đoạn 1990 - 2000 và 61,9% giai đoạn 2000 - 2012. Những con số này cho thấy, không tăng nhanh năng suất lao động, Việt Nam cũng không thể nâng cao tốc độ tăng trưởng GDP.
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng, trong 5 năm qua, sau suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng đáng ghi nhận. Mức tăng trưởng năng suất như hiện nay sẽ có khả năng giúp Việt Nam đạt được tăng trưởng nhanh và bền vững, theo con đường phát triển của những nước phát triển hơn như Hàn Quốc, Singapore.
Ông Ousmane Dione đánh giá, hiện nay, có rất nhiều dư địa để Việt Nam tăng hiệu suất trong các ngành kinh tế, năng lượng trong công nghiệp, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nông nghiệp, hệ thống giao thông và logistic kết nối hiệu quả. Việc vươn lên trong nấc thang chuỗi giá trị đóng vai trò quan trọng để cải thiện năng suất, quá trình chuyển đổi nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long là minh chứng rõ ràng.
Theo đó, việc chuyển từ mô hình lúa - hoa quả - tôm sang tôm - hoa quả - lúa đóng vai trò quan trọng. Cùng với đó là sự liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng rất quan trọng giúp Việt Nam nâng cao năng suất, vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Cũng theo ông Ousmane Dione, những cải cách nhằm phát triển, tăng cường thể chế thị trường hiệu quả cần được đẩy mạnh để đạt tăng trưởng năng suất. Để đạt được điều này, Chính phủ Việt Nam cần nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí, đặc biệt là phải đảm bảo phân bổ nguồn lực phù hợp trong đó chú trọng đến nguồn lực đất đai và vốn. Có như vậy mới tăng cường chính sách cạnh tranh và đảm bảo sân chơi bình đẳng cho các đối tác kinh tế.
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng, đổi mới sáng tạo trong quá trình tìm kiếm giải pháp tăng trưởng năng suất của Việt Nam. Bên cạnh đó là việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi hiệu quả nhất khi nguồn vốn này đang rút dần khi Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình.
VDF 2017 với mục đích phân tích thực trạng và các trở ngại cho việc tăng năng suất tại Việt Nam, từ đó đề ra các giải pháp cụ thể để thúc đẩy tăng năng suất, một trong các giải pháp lâu dài cho Việt Nam phát triển, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và bắt kịp các nền kinh tế phát triển.
Diễn đàn VDF 2017 đang diễn ra gồm 2 phiên. Phiên 1 với chủ đề “Tăng trưởng năng suất - xu thế toàn cầu và thách thức tại Việt Nam” sẽ thảo luận tổng quan về các vấn đề liên quan đến tăng năng suất, những vấn đề cơ bản về tăng năng suất trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam. Phiên 2 với chủ đề “Giải phóng năng suất vì sự phát triển bền vững của Việt Nam”.