(SGGP).- Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 7 năm 2013 ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2012.
Kim ngạch nhập khẩu đạt 11 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2012. Như vậy, tháng 7 xuất siêu 200 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục có mức tăng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp FDI vẫn xuất siêu 6,91 tỷ USD, trong khi đó doanh nghiệp 100% vốn trong nước lại nhập siêu 7,65 tỷ USD.
Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung khi hầu hết các mặt hàng đều có kim ngạch tăng. Kim ngạch của nhóm này tăng 25,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 69,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó điện thoại di động tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất với 11,63 tỷ USD, tăng 87% so với cùng kỳ. Nhóm hàng nông sản, thủy sản tháng 7 mặc dù tăng 8,9% so với tháng trước, song vẫn giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2012 do gặp nhiều bất lợi về giá và những yếu tố khách quan như sự phụ thuộc vào điều kiện thời tiết.
Xuất siêu trong tháng 7 tiếp tục duy trì như tháng 6 khoảng 200 triệu USD cho thấy kinh tế trong nước tuy có tín hiệu phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.
BÁCH VIỆT
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp
(SGGP).- Theo Sở Công thương TPHCM, từ nay đến cuối năm đơn vị tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chính sách về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu và hàng xuất khẩu.
Cụ thể, Sở Công thương phối hợp với các ban ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp TP, UBND các quận, huyện, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC), quỹ bảo lãnh tín dụng, các tổ chức tín dụng… thực hiện chương trình tiếp xúc, giới thiệu cơ chế, chính sách và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn, cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ lượng hàng hóa tồn kho. Phối hợp Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nội địa thay thế hàng nhập khẩu. Đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa có chất lượng để mở rộng thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chủ động nắm bắt thông tin và dự báo chính xác tình hình biến động cung cầu hàng hóa trên địa bàn, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu: gạo, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón,… để có kế hoạch dự trữ, đối phó kịp thời, không để xảy ra tình trạng biến động giá, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt, gây rối loạn thị trường. Chỉ đạo chi cục quản lý thị trường kịp thời ngăn chặn hàng gian, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, hàng nhập lậu xâm nhập vào thị trường, giúp thị trường trong nước phát triển. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả 4 Chương trình bình ổn giá cả thị trường năm 2013; khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch mở rộng mạng lưới phân phối, bố trí các điểm bán hàng bình ổn giá tại các chợ truyền thống, khu dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp và tại các xã vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
LẠC PHONG
Tháng 7, sản xuất công nghiệp tăng 7%
(SGGP).- Bộ Công thương cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7 ước tính tăng 7% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, ngành khai khoáng và ngành công nghiệp chế biến - chế tạo cùng tăng 6,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,2%; cung cấp nước, xử lý rác thải - nước thải tăng 11,6%. Các ngành có chỉ số sản xuất 7 tháng tăng cao so với cùng kỳ gồm: Sản xuất da và các sản phẩm từ da tăng 17,3%; sản xuất xe có động cơ tăng 14,3%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 11,6%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất tăng 10,8%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 10,5%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 10,5%... Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng của TPHCM tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2012; Đồng Nai tăng 7,4%; Bình Dương tăng 5,6%; Hà Nội tăng 4,2%.
Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1-7-2013 toàn ngành công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 8,8% so với cùng thời điểm năm 2012. Một số ngành có chỉ số tồn kho cao so với cùng thời điểm năm trước gồm: Sản xuất đồ uống tăng 33,3%; sản xuất thuốc lá tăng 22,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 20,6%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 14,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,2%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 12,1%... Theo đánh giá của Bộ Thông thương, những tháng gần đây tình hình nhập khẩu các nguyên vật liệu đầu vào có diễn biến tích cực, là tín hiệu tốt cho việc khôi phục tăng trưởng một số ngành công nghiệp, đặc biệt công nghiệp chế biến chế tạo. Tuy nhiên, trong bối cảnh tổng cầu trong nước và thế giới còn thấp thì vẫn phải chú ý giải quyết vấn đề hàng tồn kho.
THẢO TIÊN