Điều chỉnh mô hình tăng trưởng

Kinh tế thế giới đang đứng trước những thách thức mới. Tình hình nợ công của Mỹ, châu Âu diễn biến phức tạp, đồng đô la Mỹ tiếp tục suy yếu, giá vàng biến động phức tạp do chính sách dự trữ vàng của các chính phủ và một số tổ chức tài chính quốc tế, giá dầu mỏ cũng biến động theo sự mất giá của đồng đô la, tình hình chính trị ở một số nước châu Phi, giá cả lương thực, thực phẩm và nạn lạm phát trên thế giới…

Kinh tế thế giới trong thời gian tới đứng trước nguy cơ giảm sút, trì trệ. Cạnh tranh và chính sách bảo hộ mậu dịch, bảo vệ thị trường trong nước đã buộc tất cả các nước phải thay đổi chiến lược, chính sách phát triển để tồn tại, cạnh tranh, phát triển. Bối cảnh hội nhập mới cũng đặt ra cho kinh tế VN phải tái cấu trúc nền kinh tế. Bối cảnh hội nhập và cạnh tranh mới cũng đặt ra cho kinh tế TP phải điều chỉnh mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, hiệu quả, cạnh tranh.

TPHCM những năm qua đóng vai trò trung tâm kinh tế lớn trong cả nước và dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP đạt được luôn cao gấp 1,5 - 1,7 tốc độ tăng trưởng của cả nước. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng của TP đồng thời cũng để lại nhiều hệ lụy tương tự như mô hình tăng trưởng theo chiều rộng của kinh tế VN. Tốc độ tăng trưởng cao của TP liên tục trong nhiều năm chưa hài hòa với bảo vệ môi trường, hạ tầng kỹ thuật, an sinh xã hội, phát triển bền vững. Chất lượng không tương xứng với nguồn lực, tài nguyên hao phí. Năng lực cạnh tranh có phần giảm sút so với một số địa phương và khu vực. Tiềm lực khoa học - công nghệ vốn là thế mạnh của TP, chưa được huy động đúng mức cho phát triển. Những điểm yếu, hạn chế trong phát triển kinh tế thời gian qua đặt ra vấn đề phải điều chỉnh mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, hiệu quả, cạnh tranh, tăng trưởng hợp lý, hài hòa với môi trường và an sinh xã hội.
 
Để triển khai có hiệu quả mô hình tăng trưởng, cần rất nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp phù hợp, khả thi. Trước mắt, nên chú trọng một số chính sách có ý nghĩa đòn bẩy, đột phá.
 
Thứ nhất là chính sách phân bổ nguồn lực. Đây là chính sách có tác dụng đòn bẩy đối với tái cấu trúc kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng, thể hiện sự can thiệp tích cực của nhà nước, có tác dụng thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng. Phải thay đổi sâu sắc chính sách phân bổ nguồn lực, tài nguyên, định hướng chính sách, quan điểm đầu tư theo phương châm chất lượng, hiệu quả. Vốn đầu tư và nguồn tài nguyên chỉ nên rót vào nơi có hiệu quả nhất, có trọng điểm, không dàn trải.
 
Thứ hai, đổi mới cơ chế, chính sách khoa học - công nghệ, xã hội hóa nghiên cứu khoa học, huy động rộng rãi các nhà khoa học, các hội nghề nghiệp, ngoài tổ chức nhà nước tham gia nghiên cứu khoa học, tư vấn, phản biện mang tính xây dựng các đề án, chương trình mục tiêu, chiến lược phát triển của TP. Xóa bỏ độc quyền, hạn hẹp trong nghiên cứu khoa học.
 
Thứ ba, đổi mới tư duy chính sách và quản lý. Trong bối cảnh hiện nay, nếu chúng ta vẫn suy nghĩ theo cách làm cũ trước đây mà không thực sự đổi mới tư duy chính sách và quản lý thì không thể có chiến lược, chính sách thông minh, phù hợp. Mọi chính sách, chiến lược được hoạch định trong thời gian tới nhằm đáp ứng yêu cầu thay đổi mô hình tăng trưởng nếu chỉ dựa trên nền tư duy cũ, cách làm cũ thì không thể đi vào cuộc sống và đạt được kết quả mong muốn.

TS PHẠM MINH TRÍ

Tin cùng chuyên mục