Trong số những cựu binh giàu lòng nhân ái, tinh thần dũng cảm, phong cách giản dị luôn yêu thương đồng đội và con người mà chúng tôi được gặp là Thiếu tướng thương binh Lê Thanh Sơn (Ba Ngay), Anh hùng Lực lượng vũ trang, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tây Đô, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hậu Giang (cũ) và TP Cần Thơ. Ông năm nay đã ở tuổi 75 nhưng vẫn nhiệt tình lo cho nhiều đồng đội đã giã từ binh nghiệp nhưng đời sống còn nhiều khốn khó.
Từ sâu thẳm trái tim
Đến Thành đội TP Cần Thơ, hỏi thăm chỉ huy ở đây, chúng tôi mới tìm được địa chỉ và số điện thoại của Thiếu tướng Lê Thanh Sơn. Gọi điện mới biết, ông vừa mổ cắt túi mật tại Bệnh viện 175, TPHCM; mới chuyển về điều dưỡng tại Viện Quân y 121, Quân khu 9. Chúng tôi đến thăm ông cùng lúc với nhiều cán bộ, chiến sĩ, là đồng đội Tiểu đoàn Tây Đô 3 lần anh hùng thời chống Mỹ và bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Mắt ông đỏ hoe, cổ nghèn nghẹn không nói lên lời vì xúc động. Ông về hưu đến nay đã 14 năm; vậy mà vẫn còn biết bao người nhớ, quan tâm và chia sẻ với ông. Thiếu tướng Lê Thanh Sơn rủ rỉ nói với người vợ hiền đang chăm sóc mình: “Lúc hoạn nạn mới thấy tấm lòng của những người xung quanh”. Vâng! Điều đó không chỉ đúng với ông mà với rất nhiều người. Mới ngày 24-6 rồi, ông đang dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Tiểu đoàn Tây Đô và trao nhà đồng đội lần thứ 2 cho ông Bảy Minh, thương binh, nguyên Đại đội trưởng trợ chiến, Tiểu đoàn Tây Đô, năm nay đã gần 90 tuổi ở Lâm trường Phương Ninh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang thì bị bệnh.
Năm 2001, ông Lê Thanh Sơn giã từ sự nghiệp nhà binh để về hưu. Ông tâm sự: “Với lương hưu của một vị tướng (hơn 10 triệu đồng), vợ chồng tôi dư sức dưỡng già. Nhưng tôi luôn đau đáu khi nghĩ về những đồng đội sống chết với mình trong thời chiến tranh; nhiều người sau giải phóng đã “gác súng” về quê chẳng được hưởng chế độ gì nên cuộc sống còn quá lam lũ và khốn khó”. Suy nghĩ rồi làm, ông tập hợp các đồng đội cũ đã về hưu như Đại tá thương binh Lê Trọng Nghĩa, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hậu Giang (cũ)… thành lập Ban liên lạc Tiểu đoàn Tây Đô (BLLTĐTĐ) mà các ông là trưởng và phó ban. Ông nói: “Chúng tôi làm một cách tự nguyện, không đòi hỏi lương bổng và các khoản phụ cấp nào khác”. Cái khó của anh em trong BLLTĐTĐ là tuổi cao, sức yếu; vậy mà họ phải lặn lội khắp miền Nam để tìm đồng đội cũ; tranh thủ lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp tài trợ cất nhà đồng đội, làm đường, bắc cầu ở những vùng nông thôn còn đi lại gian nan. Ông tâm sự: “Có rất nhiều đồng đội đầu tắt mặt tối ở ngoài đồng mà chén cơm vẫn không đủ no. Ban liên lạc chúng tôi phải kiên trì lắm mới tìm được họ”. Khi nói về những con số, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn cho biết: “Ban liên lạc chúng tôi đã tập hợp được 300 đồng đội cũ; trong số này nhiều người cuộc sống còn khó khăn nhưng vẫn tình nguyện đóng góp từ 50.000 đến 100.000 đồng/năm cho quỹ xây dựng nhà đồng đội (mỗi năm xây được 10 căn). Tổng số tiền BLLTĐTĐ quyên góp từ năm 2001 đến nay khoảng 37 tỷ đồng, xây được 700 căn nhà đồng đội (mỗi căn từ 35 - 50 triệu đồng). Riêng 7 tháng đầu năm 2014, chúng tôi đã xây dựng được 60 căn. Đó là chưa kể những ngày lễ, tết, kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ (27-7) và ngày Thành lập Quân đội (22-12)… BLLTĐTĐ đã đi khắp các vùng sâu, vùng xa tặng quà, tiền cho cựu chiến binh, các gia đình liệt sĩ, thương binh”.
Quả cảm mà giản dị
Thiếu tướng Lê Thanh Sơn sinh năm 1940 ở Vĩnh Hòa, Trà Quơn, Rạch Giá, Kiên Giang, nhưng cả đời binh nghiệp thời chống Mỹ của ông, chiến đấu ở chiến trường quê ngoại Cần Thơ. Năm Đồng khởi 1960, ông vào du kích xã Trường Long (giờ thuộc huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), đánh trận đầu tiên lấy đồn Vàm Bi. Ngay sau đó, ông lên địa phương quân huyện Ô Môn. Năm 1962, ông gia nhập Tiểu đoàn Tây Đô. Cả cuộc đời binh nghiệp của mình (từ thời chống Mỹ đến chiến tranh biên giới Tây Nam), ông tham gia chiến đấu trên 400 trận. Ông bị thương rất nhiều lần nhưng lần ông nhớ mãi là vào ngày 7-2-1964 (mới 24 tuổi), đánh trận Vịnh Chùa, thuộc xã Long Bình, huyện Long Mỹ, Hậu Giang (mới), tiêu diệt nguyên một tiểu đoàn Bảo An, nhưng ông bị thương vào đầu. Cái áo mới màu xám được má Bảy Bên tặng, ông buộc phải cởi phăng ra để quấn đầu. Ông thương má Bảy Bên vì chồng bị Tây bắn, ba người con trai đều là bộ đội và hy sinh ở các chiến trường chống Mỹ. Suốt những năm chống Mỹ, nhà nghèo nhưng khi bộ đội tới là má nấu cơm cho ăn, chèo đò chở qua sông, xây hầm bí mật cho cán bộ nằm vùng thời luật 10- 59… Cuộc đời hy sinh thầm lặng của mẹ Việt Nam anh hùng nói chung và Bảy Bên nói riêng là vô bờ bến. Lê Thanh Sơn cũng không thể nào quyên được trận đánh “ông Hào” vào ngày 8-7-1966, Tiểu đoàn Tây Đô diệt nguyên Tiểu đoàn “cọp đen” thuộc sư 21 ngụy tại Rạch Ấm, xã Trường Long. Khi anh Giàu, y tá đang chiến đấu thì bị thương đổ ruột. Lê Thanh Sơn lấy dĩa con cá ốp lên rồi băng lại và sai y sĩ chích thuốc. Nhưng anh Giàu nói: Anh Ba (tức Lê Thanh Sơn) cứ tiếp tục chỉ huy anh em chiến đấu. Tôi không thể sống được đâu! Hãy dành thuốc chích cho những thương binh khác. Thiếu tướng Lê Thanh Sơn bùi ngùi: “Nghe anh Giàu nói mà nước mắt tôi cứ trào ra. Anh đúng là Bộ đội Cụ Hồ: gan dạ và cao thượng”…
Lịch sử của Tiểu đoàn Tây Đô ghi lại: Suốt bao năm chống Mỹ và làm nhiệm vụ ở biên giới phía Tây Nam, đơn vị này hy sinh 3.000 đồng chí. Chỉ riêng trận Mậu Thân 1968, hơn 1.300 chiến sĩ tấn công vào trung tâm TP Cần Thơ, khi trở ra còn không đầy 100 người. Một mất mát vô cùng lớn, nhưng vinh quang là mãi mãi.
Xuất thân từ nông dân và chiến đấu bên cạnh họ, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn luôn yêu quý và trân trọng nhưng con người luôn gần gũi với mình. Vì thế, khi về hưu, ông mua đất ở một vùng nông thôn cách xa Trung tâm TP Cần Thơ gần 20km, cất nhà, làm vườn, trồng rau, nuôi cá... Việc to nhỏ gì thì ông cũng chia sẻ với bà con chòm xóm; lúc bệnh hoạn ốm đau, khi mớ rau con cá. Cuộc sống bình lặng của một người thương binh anh hùng thật giản dị. Nhân kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27-7, xin chúc ông mau lành bệnh để tiếp tục “chiến đấu” chống đói nghèo cho những đồng đội cũ còn gian khó.
LÊ BÌNH