Như thường lệ, kể từ ngày Việt Nam hội nhập với cộng đồng quốc tế, những ngày cuối năm luôn bận rộn với hàng loạt sự kiện ngoại giao: những chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Việt Nam ra nước ngoài và các nhà lãnh đạo các nước đối tác đến Việt Nam. Chuyến thăm trùng hợp của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Ấn Độ và Sri Lanka không chỉ là chuyến công du bình thường mà còn là chuyến đi thăm những người bạn. Vị khách đặc biệt của Việt Nam trong những ngày này là Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Somsak Kiatsuranont, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Ukraine P. Simonenko…
Trong cương lĩnh Đại hội XI, Đảng ta đã chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, chứ không chỉ là hội nhập kinh tế quốc tế. Điều đó khẳng định Việt Nam bắt đầu hội nhập toàn diện từ kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh quốc phòng.
Đây là điểm mới trong tình hình hiện nay và cho thấy Việt Nam đã áp dụng linh hoạt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dĩ bất biến, ứng vạn biến. Dĩ bất biến là kiên định chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Ứng vạn biến chính là quyết định hội nhập toàn diện khi có thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Kể từ khi ra đời đến nay, nước Việt Nam hiện đại đã thiết lập ngoại giao với hơn 171 quốc gia trên thế giới. Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng đất nước, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ to lớn của nhiều nước anh em, bè bạn và nhân dân tiến bộ trên thế giới. Nhưng chúng ta cũng gặp không ít rào cản, khó khăn khi xây dựng một chiến lược phát triển ngoại giao toàn diện và vì vậy lịch sử bang giao giữa Việt Nam và các nước cũng trải qua nhiều thăng trầm. Chúng ta đã có bước tiến dài khi chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ, một quốc gia mà nói như phương Tây là cựu thù của Việt Nam.
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã được bình thường hóa và ngày càng phát triển sau một thời gian hai nước có nhiều căng thẳng, và dù hiện nay vẫn còn bất đồng nhưng xu hướng hòa bình, hợp tác vẫn giữ thế chủ đạo. Chúng ta cũng thẳng thắn ngồi vào bàn đàm phán với nhiều đối tác cho dù còn không ít bất đồng trong những vấn đề trong nước và quốc tế.
Có thể nói, ngày nay, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam chúng ta đã thành công trong tiến trình hội nhập.
Điều rất quan trọng là khi đến với đối tác, chúng ta đến với phương châm Việt Nam sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới. Phương châm này cũng được hiểu rằng Việt Nam là quốc gia có thiện chí hòa bình và thái độ chân thành khi đến với đối tác. Thiện chí hòa bình và thái độ chân thành góp phần không nhỏ vào thành công của quá trình hội nhập, củng cố và mở rộng hợp tác quốc tế của Việt Nam.
Trong bối cảnh quốc tế ngày nay, thiện chí hòa bình đã đóng góp đáng kể vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có vấn đề bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Bởi hơn ai hết, một dân tộc như dân tộc Việt Nam trải qua hàng trăm năm chiến tranh càng thấm thía câu nói của nhà thơ người Pháp Moliere: Hòa bình là phương tiện xây dựng đất nước, đem lại ấm no cho dân tộc. Muốn có hòa bình, chúng ta phải có thiện chí hòa bình. Như người xưa nói: Nếu bạn đến với tôi trong tay mang cành ô liu bạn đã có 90% thành công.
VIỆT TRUNG