
Nám Melasma là tình trạng da tăng đậm từng mảng màu nâu nhạt, nâu đậm hoặc nâu xám, thường xuất hiện ở những vùng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như trán, gò má, sống mũi, môi trên… và thường có tính chất đối xứng. Đôi khi nám cũng xuất hiện ở vùng cổ.

Trước và sau khi điều trị nám.
Bệnh lý này phổ biến ở người da màu hơn là ở người da trắng. Mặc dù cơ chế bệnh học của nám chưa được hiểu rõ, một số nghiên cứu xác định những yếu tố có liên quan đến nám cho thấy phơi nắng và di truyền là hai yếu tố có liên quan nhiều nhất. Đối với người châu Âu, phơi nắng có thể gây đỏ da, phỏng bóng nước, da đổi màu từng đốm nhỏ và ung thư da. Ở người da màu, biểu hiện tổn thương da do phơi nắng thường là da đỏ hồng, sau đó tăng đậm.
Nội tiết tố cũng được cho là có liên quan đến nám. Phụ nữ thường bị nám trong giai đoạn mang thai (còn gọi là “mặt nạ thai kỳ”), do uống thuốc ngừa thai hoặc dùng hormone thay thế… Nám xuất hiện ở phụ nữ không có những yếu tố nêu trên có thể là biểu hiện của bệnh buồng trứng đa nang và nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa nội tiết.
Một số thuốc uống hoặc thuốc thoa làm cho da nhạy cảm với nắng: thuốc chống động kinh, một số thuốc kháng sinh quinolones, thiazide (thuốc lợi tiểu), tetracyclines (thuốc kháng sinh), minomycine (thuốc kháng sinh trị mụn có thể gây sạm da không điều trị được), một số thuốc đau bao tử, thuốc kháng sinh sulfamide, thuốc ngừa thai, mỹ phẩm có chứa oxidized linoleic acid, salicylat citral và một số chất bảo quản.
Một nghiên cứu thực hiện trên 210 người bị nám Melasma cho thấy 100% có liên quan đến phơi nắng, 27% có liên quan đến mang thai, 14% có dùng mỹ phẩm, 13% liên quan đến tiền sử gia đình, 6,3% có sử dụng thuốc ngừa thai.
Tùy theo loại nám, có những phương pháp điều trị phù hợp. Soi da bằng đèn Woodlamp có thể phân biệt được Melasma là do tăng sắc tố ở vùng thượng bì, vùng nội bì hoặc cả hai (hỗn hợp). Đa số các trường hợp gặp phải là nám hỗn hợp.
Đối với nám thượng bì: có thể dùng một số thuốc thoa làm trắng da có thành phần: hydroquinone, acid kojic, acid azelaic, acid ascorbic (vitamine C), retinoids… hiệu quả có thể bắt đầu thấy sau 2 tháng điều trị liên tục. Không nên dùng các loại thuốc làm trắng da có chứa thủy ngân, mono benzone (benoquine) .... Tuy nhiên những loại thuốc làm trắng da thường làm cho da bi nhạy cảm với nắng, khiến nám có thể trầm trọng hơn. Không nên tự dùng thuốc làm trắng da khi không có sự theo dõi của bác sĩ.
Ngày nay, với những tiến bộ trong kỹ thuật lột da (chemical peel) để lấy bớt vùng thượng bì bị nhiễm sắc tố, Melasma có thể được điều trị hiệu quả hơn, nhanh hơn và an toàn hơn. Hiệu quả có thể thấy rõ sau 2 tuần điều trị tích cực. Tuy nhiên, lột da cũng là một phương pháp nguy hiểm: có thể có những biến chứng không thể hồi phục được nếu không được điều trị ở những cơ sở có chuyên môn cao.
Đối với nám nội bì hoặc hỗn hợp: thời gian điều trị có thể kéo dài hơn và phải kết hợp nhiều phương pháp như dùng laser YAG và các loại thuốc đặc trị có thể tác động sâu đến vùng nội bì. Lưu ý là nắng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng Melasma. Phải dùng kem chống nắng mỗi ngày trong và sau khi điều trị Melasma mới tránh được sự tái phát. Với những tiến bộ gần đây của ngành thẩm mỹ nội khoa, nám Melasma đã có thể điều trị được, nhưng phải kiên trì thực hiện và phải theo chế độ bảo dưỡng, chăm sóc da thường xuyên, liên tục mới duy trì được kết quả lâu dài.
BS TRƯƠNG NGỌC THỦY TIÊN