
Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) ngày càng thu hút sự quan tâm của toàn xã hội do tỉ lệ mắc bệnh trong cộng đồng tăng nhanh, tỉ lệ tử vong cao và chi phí tốn kém cho việc điều trị các biến chứng kèm theo. Theo Hội Nội tiết và đái tháo đường, hiện nay có khoảng 2 triệu người Việt Nam hiện mắc bệnh ĐTĐ nhưng có đến 65% người bệnh không biết mình có bệnh. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến người bệnh gặp các biến chứng như mù lòa, tàn phế, đột quỵ
Không tuân thủ chế độ dinh dưỡng: Thuốc cũng bó tay!

Tập thể dục, vận động thể lực thường xuyên cũng là cách đề phòng đái tháo đường hiệu quả. Ảnh: HOÀNG DUY
Theo một nghiên cứu tại hội thảo mới đây do Công ty Abbott phối hợp với Hội Nội tiết và ĐTĐ Việt Nam tổ chức, 73% người bệnh ĐTĐ không tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý. Đây là một khó khăn trong việc kiểm soát bệnh đái tháo đường khi việc điều trị bệnh phải kết hợp bắt buộc lâu dài với nhiều liệu pháp: dinh dưỡng hợp lý - thể dục đều đặn - dùng thuốc, trong đó dinh dưỡng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều trị.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, cùng với đà tăng trưởng mức sống, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỉ lệ tăng số người mắc bệnh hàng đầu thế giới trong những năm tới. Theo GS.TS Nguyễn Thy Khuê - Chủ tịch Hội Nội tiết và đái tháo đường Tp. HCM: một số trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, chỉ cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng là đã có thể kiểm soát được căn bệnh mà chưa cần dùng thuốc.
Dựa trên những nghiên cứu khoa học mới nhất, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều quan điểm mới trong việc áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh ĐTĐ, nêu bật vai trò quan trọng của dinh dưỡng trong điều trị. Công thức dinh dưỡng tối ưu cho người bệnh đái tháo đường phải luôn đảm bảo đầy đủ và cân đối các dưỡng chất, trong đó nên lựa chọn ưu tiên thành phần bột đường tiêu hóa và hấp thu chậm, điều này sẽ giúp kiểm soát mức đường huyết sau khi ăn của người bệnh tốt hơn. Ngoài ra các thành phần chất béo đặc biệt tốt cho hệ tim mạch cũng nên được lưu ý vì người bệnh đái tháo đường luôn tìm ẩn nguy cơ các biến chứng trên hệ tim mạch.
Đừng để nước đến chân mới nhảy!
Hầu hết người bệnh cũng không biết rằng nếu được phát hiện sớm, được điều trị đúng phương pháp, người mắc bệnh ĐTĐ vẫn có cuộc sống bình thường. Vì vậy đa số chỉ đến với bác sĩ khi bệnh đã vào giai đoạn mãn tính. Hiện nay sự tàn phá sức khỏe người bệnh và gây ra tổn thất về kinh tế của bệnh đái tháo đường được WHO ví như cơn sóng thần thế giới.
Theo GS Nguyễn Thy Khuê: ĐTĐ týp II có thể làm tổn thương các cơ quan tim mạch, mắt, thận và thần kinh tạo nên các biến chứng như: Bệnh lý võng mạc do ĐTĐ, ĐTĐ làm tổn thương kéo dài các mạch máu của võng mạc khiến người bệnh bị mù lòa. Thống kê cho thấy sau 15 năm bị ĐTĐ, khoảng 2% người bệnh bị mù lòa, 10% bị giảm thị lực nặng.
Bệnh ĐTĐ còn làm hủy hoại các sợi thần kinh, gây cho người bệnh đau nhức, tê cóng và yếu các chi, loét bàn chân, dẫn đến phải cắt cụt chi. Nguy hiểm hơn là biến chứng suy thận do ĐTĐ. ĐTĐ được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy thận (10 – 20% bệnh nhân ĐTĐ bị tử vong vì biến chứng này). ĐTĐ cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh tim: 50% các bệnh nhân ĐTĐ bị tử vong vì bệnh tim mạch.
Do đó việc cảnh báo về những nguy cơ và phổ biến rộng rãi kiến thức về căn bệnh này trong cộng đồng là vô cùng cần thiết. Các nhà nghiên cứu cho biết, tỉ lệ người có nguy cơ phát triển thành bệnh cũng rất cao. Trong đó tỉ lệ không dung nạp glucose hơn 7%, tỉ lệ tăng cân là 19%, tỉ lệ tăng huyết áp là 22%... dự báo những năm tiếp theo số người sẽ còn tăng lên nếu các yếu tố nguy cơ không được khống chế một cách hiệu quả. Theo thống kê của Trung tâm dinh dưỡng, TPHCM chiếm gần 5% bệnh nhân đái tháo đường trên toàn quốc. Hiện có 13 câu lạc bộ bệnh đái tháo đường sinh hoạt hàng tuần với khoảng 1.400 hội viên.
Để phòng ngừa ĐTĐ týp II và các biến chứng của nó, chúng ta cần: |
Triệu Lâm