Theo Hiệp hội Dinh dưỡng lâm sàng châu Âu ESPEN 2006 thì tỷ lệ suy dinh dưỡng chiếm 20-60% bệnh nhân nằm viện và có đến 30-90% bị mất cân trong thời gian điều trị, trong đó tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) ở bệnh nhân phẫu thuật là 40-50%.
Sau phẫu thuật, ngoài lý do người bệnh bị SDD từ trước thì chính cuộc phẫu thuật đã làm thay đổi về chuyển hóa (như tăng hoạt động giao cảm, tăng tốc độ chuyển hóa, cân bằng nitơ âm tính, tăng Cytokins và các Interleukin…), làm thay đổi về sinh lý (tăng tính thấm ruột, cộng thêm tình trạng giảm chiều cao nhung mao dẫn đến làm tăng thẩm lậu vi khuẩn, dễ gây nhiễm trùng,...) khiến cho tình trạng dinh dưỡng của người bệnh ngày càng xấu. Nhất là đối với các bệnh nhân sau phẫu thuật đường tiêu hóa, chấn thương sọ não, tổn thương đầu, thần kinh… Ở những bệnh nhân này thường nhu động ruột kém, một số bị liệt ruột nhẹ, đó cũng là những lý do làm cho người bệnh thường bị chướng bụng, tiêu chảy, không dung nạp thức ăn sau mổ. Ngoài ra tình trạng dinh dưỡng kém còn làm chậm lành vết thương, giảm khả năng thông khí, giảm miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, kể cả nhiễm khuẩn huyết, tăng tỷ lệ biến chứng, tỷ lệ tử vong, tăng thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị,…
Do đó, vấn đề hỗ trợ dinh dưỡng cho bệnh nhân sau phẫu thuật là công việc quan trọng và có thể nói là một trong những khâu quyết định đến thành công trong công tác điều trị. Những bệnh nhân SDD đã trải qua phẫu thuật, chấn thương, những bệnh nhân có nguy cơ bị SDD (cân bằng nitơ âm tính, không thể ăn được trên 5 ngày, chức năng ruột suy giảm, bệnh nặng), những bệnh nhân cần để ruột nghỉ dài ngày… càng cần được tăng cường hỗ trợ dinh dưỡng.
Ngay sau cuộc phẫu thuật thì vấn đề hỗ trợ dinh dưỡng bằng đường miệng vẫn còn gây nhiều tranh luận, trên thực tế thì hai hình thức sau đây thường được sử dụng là dinh dưỡng qua đường tiêu hóa (Enteral Nutrition) và dinh dưỡng ngoài đường tiêu hóa (Parenteral Nutrition).
Dinh dưỡng qua đường tiêu hóa: Đây là phương pháp hỗ trợ tốt nhất do phù hợp với sinh lý, ít biến chứng, niêm mạc ruột được bảo tồn, duy trì được chức năng ruột, ít bị thẩm lậu vi khuẩn và rẻ tiền hơn so với phương pháp nuôi ăn ngoài đường tiêu hóa. Chỉ định dinh dưỡng qua đường tiêu hóa: Khi đòi hỏi phải hỗ trợ dinh dưỡng, ruột còn hoạt động, khi không có chống chỉ định (không tắc ruột, không chảy máu ruột cấp, không có miệng nối mới, không có rò, sau đại phẫu vùng bụng, viêm ruột…).
Trong giai đoạn hồi phục có thể cung cấp cho bệnh nhân 25-30 kcal/kg cân nặng/ ngày. Nên cung cấp khỏang 50-60% tổng năng lượng khuyến nghị trên cho bệnh nhân trong 48-72h đầu. Hiện nay nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng nếu sau phẫu thuật bệnh nhân có huyết động ổn định và hệ tiêu hóa hoạt động tốt thì nên được nuôi ăn sớm (có thể trong vòng 24h đầu). Mục tiêu của vấn đề dinh dưỡng sớm qua đường tiêu hóa cho bệnh nhân không phải là đạt đủ nhu cầu năng lượng cho cơ thể mà là cung cấp các dưỡng chất thiết yếu để ruột điều chỉnh quá trình bệnh lý cũng như chức năng hàng rào bảo vệ ruột. Bệnh nhân không thể tự ăn được trong vòng 3 ngày thì nên được đặt ống thông nuôi ăn.
Dinh dưỡng ngoài đường tiêu hóa (Parenteral Nutrition): Khi không thể cung cấp đủ năng lượng cho bệnh nhân qua đường tiêu hóa, hay khi bệnh nhân không dung nạp được nuôi dưỡng qua đường tiêu hóa. Tuy cung cấp được nhiều chất dinh dưỡng hơn là khi nuôi bằng đường tiêu hóa, giảm tải được cho các cơ quan nhưng đắt tiền hơn và nhiều biến chứng hơn… Chú ý không được cung cấp quá mức nhu cầu năng lượng cần thiết cho người bệnh và từng bước chấm dứt nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch, chuyển từ từ sang nuôi dưỡng qua đường tiêu hóa hay đường miệng ngay khi có thể.
Th.S - KS Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (Bệnh Viện Chợ Rẫy)